Bãi rác thải sinh hoạt tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc luôn trong tình trạng quá tải gây ô nhiễm môi trường. |
Kêu không thấu!
Có mặt tại con đường liên xã, đoạn dẫn từ Đường Hồ Chí Minh (thuộc thôn 10 Minh Thành, xã Minh Tiến chạy qua xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) chúng tôi được chứng kiến tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng do các chuyến xe chở rác và bãi chứa rác thải của huyện đang gây ra tại đây. Mỗi khi xe chuyên chở rác chạy qua, nước rỉ rác từ thùng xe cũ kỹ cùng rác thải rơi vãi xuống mặt đường, phía bên trong khu bãi chứa rác, từng “núi rác” chất cao bốc mùi khó chịu.
Ông Trịnh Văn Phương - một người dân trú tại thôn 10 Minh Thành, xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc không giấu được bức xúc cho biết: Tình trạng ô nhiễm không khí do bãi rác gây ra đã kéo dài suốt trong nhiều năm qua. Nguy hiểm nhất là nước rỉ từ bãi rác thẩm thấu và chảy xuống đập Hón - nơi cung cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của người dân trong xã, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
“Tại nhiều cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri, người dân chúng tôi đã có ý kiến đề nghị chính quyền và cơ quan quản lý phải có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm tại bãi rác này nhưng các ý kiến chỉ được ghi nhận chứ không thấy có bất kỳ biện pháp xử lý nào” - ông Phương nói.
Đem vấn đề ô nhiễm mà người dân tại Thôn 10 Minh Thành đang phản ánh đến UBND xã Minh Tiến để tìm hiểu, chúng tôi được ông Triệu Văn Kim - Chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết: Bãi rác thải sinh hoạt của huyện đã hình thành và đi vào hoạt động khoảng gần 10 năm nay, với nhiệm vụ chứa và xử lý rác thải cho 5 địa phương của huyện bao gồm: Thị trấn Phố Cống, các xã: Minh Tiến, Minh Sơn, Kiên Thọ, Lam Sơn… Tại đây, rác thải được đơn vị xử lý bằng cách phun thuốc khử khuẩn rồi chôn lấp, phần thì phun dầu đốt thủ công. Tuy nhiên, do lượng rác lớn nên không thể xử lý hết đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường sống của người dân tại địa phương. Xã cũng đã nhiều lần tập hợp các kiến nghị của cử tri gửi lên huyện, đề nghị phải có biện pháp xử lý hiệu quả hơn đối với bãi rác nhưng chưa có hồi âm. “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên huyện về tình trạng ô nhiễm do bãi rác gây ra, chỉ mong sớm được quan tâm. Về lâu dài, chúng tôi cũng nghe đâu có đơn vị đang lập quy hoạch và xing được vào xây dựng một nhà máy xử lý rác quy mô hiện đại nhưng vì còn vướng thủ tục nên chưa thể bắt tay vào làm. Chỉ mong dự án này sớm đi vào hoạt động cho dân đỡ khổ vì rác!” - ông Kim nói.
Chờ đến bao giờ?
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Xuân Hải - Phó Giám đốc Chi nhánh miền Tây, Công ty Môi trường và Đô thị Thanh Hóa cho biết: Ở thời điểm hiện tại, bãi thu gom rác thải tại xã Minh Tiến tiếp nhận khoảng 15 - 16 tấn rác thải của thị trấn và các xã lân cận. Rác sau khi được tập kết về bãi đều được phun thuốc khử khuẩn, sau đó dùng máy ủi chôn lấp xuống hố sâu (không được lót bạt chống thấm), rác về đến đâu xử lý đến đó. Theo quy mô thiết kế thì bãi rác có đến 6 hố chôn lấp, đến thời điểm năm 2021, đơn vị mới chỉ sử dụng hết 1 hố, đầu năm 2022 mới bắt đầu chuyển sang hố chôn thứ 2. Nói như vậy để thấy rằng với quy mô như vậy thì lượng rác thải không thể nói là đang quá tải và gây ô nhiễm. “Hiện nay, công ty đang có 2 xe chuyên dụng và gần 100 công nhân thu gom rác thải. Mỗi khối rác được vận chuyển và xử lý được tính giá thành khoảng 60 - 70 nghìn đồng. Chúng tôi cũng đang tính đến phương án kêu gọi đầu tư góp vốn để xây dựng 1 nhà máy xử lý quy mô nhưng chưa thể làm vì kinh phí bỏ ra là quá lớn mà tiền thu về thì quá chậm” - ông Hải nói.
Cũng nói về vấn đề này, ông Phạm Trung Dũng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Lặc cho biết: “Do phương pháp chôn lấp thô sơ nên không tránh được tình trạng ô nhiễm. Về lâu dài, huyện đang lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng một nhà máy xử lý rác quy mô, có thể kết hợp sản xuất rác thải sinh hoạt thành phân bón. Tình trọng ô nhiễm chỉ thực sự được xử lý triệt để khi nhà máy này đi vào hoạt động” - ông Dũng khẳng định.
Được biết, bãi rác thải sinh hoạt tại 2 xã Minh Tiến và Minh Sơn được huyện Ngọc Lặc quy hoạch và đưa vào sử dụng từ năm 2015, với nhiệm vụ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt cho thị trấn, huyện Ngọc Lặc và các xã lân cận. Biện pháp xử lý chủ yếu là thủ công và thô sơ như đào bể chôn lấp, đốt. Đơn vị được thuê để xử lý là Công ty Môi trường và Đô thị Thanh Hóa, chi nhánh miền Tây. Tuy nhiên, do phương pháp xử lý quá thô sơ trong khi lượng rác thải lớn khiến bãi rác gây ra tình trạng ô nhiễm trong vài năm trở lại đây. |
Tác giả: Nguyễn Chung
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết