Bức tranh tài chính của Thephaco
Công ty Cổ phần Dược Vật tư y tế Thanh Hóa - Thephaco (tiền thân là Quốc doanh dược phẩm thành lập ngày 10/4/1961) được chuyển đổi từ Công ty Dược – Vật tư y tế Thanh Hóa ngày 1/12/2002 theo quyết định số: 3664/QĐ – CT ngày 05/11/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Thephaco là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại thuốc đông dược, thuốc chữa bệnh, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ liên quan đến chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Hoạt động chủ yếu của Công ty là sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuốc Đông dược, Tân dược, Cao đơn hoàn tán, kinh doanh sản xuất và sửa chữa thiết bị vật tư y tế, cung cấp thuốc chữa bệnh, thuốc bổ phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong toàn tỉnh và liên doanh với các tỉnh bạn, đồng thời giam gia vào thị trường thuốc trên thế giới.
Thephaco từng được đánh giá là thương hiệu có sức cạnh tranh "khủng" với tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ và trở thành một trong những công ty dược phẩm hàng đầu trong cả nước. Năm 2007 công ty đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động. Hiện nay tổng số CBCNV Công ty gần 1.000 người. Công ty đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 3 xưởng đạt tiêu chuẩn GMP-WHO: Xưởng thuốc tiêm - thuốc nhỏ mắt, Xưởng thuốc viên, cốm, bột Non β lactam và β lactam, phòng kiểm nghiệm GLP, hệ thống kho đạt tiêu chuẩn GSP. Năm 2015, Thephaco vinh dự là 1 trong 30 công ty được Bộ Y tế trao danh hiệu Ngôi sao thuốc Việt lần thứ nhất.
Từ một doanh nghiệp đứng trong top đầu của các Công ty Dược Việt Nam nhưng đến nay đã “xuống dốc không phanh”. Thời điểm “vàng son” (năm 2011) tổng doanh thu của công ty đạt hơn 880 tỷ đồng (Nằm trong Top 10 Doanh nghiệp Dược Việt Nam) thì đến năm 2019, tổng doanh thu công ty đạt 522,245 tỷ đồng (trong đó doanh thu hàng công ty sản xuất là 404,064 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế TNDN 3.626 tỷ đồng; năm 2020, tổng doanh thu công ty đạt 533,808 tỷ đồng (trong đó doanh thu hàng công ty sản xuất là 398,787 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế TNDN năm 2020 là 3.695 tỷ đồng. Cổ tức từ 20%, rớt xuống đáy là 0% và 4% mỗi năm.
Công ty Dược Thanh Hóa |
Điều đáng nói hơn, thị phần kinh doanh của Thephaco mất dần, nhất là thị trường nội tỉnh. Cán bộ có trình độ thì ngày càng mai một. Nhiều người chán nản với mức thu nhập thấp. Đáng chú ý là số cán bộ chủ chốt cũng vì đó mà “chia tay” Công ty? Được biết, cho đến ngày 1/5/2021, Thephaco không còn một Phó Tổng Giám đốc nào ở lại làm tham mưu giúp việc cho Tổng Giám đốc; kể cả kế toán trước kia cũng đã từ chức. Còn lại duy nhất ông Trần Thanh Minh - Tổng Giám đốc điều hành công ty mà thôi.
Nguyên Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT gửi tâm thư đến Nhà chức trách tỉnh Thanh Hoá
Thầy thuốc nhân dân Lường Văn Sơn đã dành cả cuộc đời mình để xây dựng nên Công ty CP Dược, vật tư y tế Thanh Hóa (Thephaco). Trong đó ông có hơn 30 năm làm Giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của ông, Thephaco chính là lá cờ đầu trong nghành dược tại khu vực phía Bắc.
Mới đây, ông Sơn đã viết tâm thư gửi nhà chức trách địa phương để ngăn ngừa nguy cơ “chảy máu” bất động sản của doanh nghiệp.
Từ năm 2016, Nhà nước bán vốn nắm giữ, tư nhân vào điều hành Công ty. Từ đó Công ty đi xuống trầm trọng, thu nhập nhân viên hành chính giữ nguyên như năm 2016, không còn thưởng năng suất quý, năm. Nộp ngân sách cũng giảm mạnh.
Năm 2018 doanh nghiệp đã phải bán đất thế hệ trước mua tại Đà Nẵng xây dựng chi nhánh Miền Trung để cắt lỗ và chi thưởng tết cho người lao động. Trong khi đó, cũng cổ phần như Công ty CP Dược vật tư y tế Thanh Hóa thì Traphaco năm 2020 lãi tăng 30% so với 2019; Công ty Dược phẩm Hải Dương trước kia kém Công ty CP Dược vật tư y tế Thanh Hóa rất nhiều thì năm 2020 doanh thu vẫn giữ vững và có lãi ròng 30 tỷ đồng với 40-50 cán bộ, công nhân viên.
Trao đổi với PV, ông Sơn cho hay: Nhiều cán bộ nói với tôi "Chắc do họ muốn kinh doanh đất" vì trụ sở công ty và các chi nhánh huyện, thị đều là đất vàng. Có người nói với tôi, họ đã đề nghị Sở Tài nguyên môi trường chuyển mục đích sử dụng một số mảnh đất, song Sở không đồng ý. Tôi không biết chính xác đến đâu.
Biofil, sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp |
Nhiều người hỏi tôi tại sao Công ty “suy tàn” đến như vậy? Tôi rất khó tìm câu trả lời thỏa đáng. Trước tình hình trên, nhiều ý kiến đề nghị, mặc dù đã 74 tuổi rồi, song với trách nhiệm của minh, đồng thời là cổ đông 50.000cp (500 triệu đồng), bằng 0,65% giữ từ khi cổ phần hóa đến nay, tôi đề nghị lãnh đạo Sở TNMT 2 nội dung.
Thứ nhất, các hợp đồng thuê đất của Công ty CP Dược vật tư y tế Thanh Hóa lúc đó tôi là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty ký với nội dung "Sản xuất kinh doanh dược" dài hạn 25 đến 50 năm. Những mảnh đất Công ty không kinh doanh dược thì tỉnh nên thu hồi (hiện tại đất chi nhánh dược Nông Cống đang bỏ không, đất ở Hải Thượng Lãn Ông đang cho thuê làm nhà trẻ ...).
Thứ 2, nếu chuyển mục đích kinh doanh dược sang kinh doanh ngành nghề khác phải có phương án có lợi cho dân sinh và đóng góp cho ngân sách tỉnh nhà, chống mọi hình thức núp bóng để chuyền tài sản của Nhà nước thu tiền vào túi nhà đầu tư.
“Lùm xùm” Cờ thi đua
Thephaco đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua và được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định số 1071QĐ-UBTH ngày 01/4/2021 tặng Cờ thi đua của tỉnh vì “có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước 2020". Đó là điều bất ngờ lớn đối với cổ đông, cán bộ hưu trí, công nhân lao động đang làm việc trong doanh nghiệp. Bởi vì 3 năm liền (2018-2019-2020) Công ty đều không hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu mà đại hội cổ đông thông qua, “lãi giả lỗ thật”. Đặc biệt, năm 2020 năm đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ và nhận Cờ thi đua của tỉnh, Công ty lại báo cáo gian dối số liệu để làm cơ sở xét tặng.
Năm 2020, 3 chỉ tiêu quan trọng được Đại hội đồng cổ đông nghị quyết thông qua ngày 28/4/2021 được "công bố thông tin" gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán ngày 29/4/2021 đều không hoàn thành kế hoạch. Cu thể: Tổng doanh thu thực hiện năm 2020: 533.808 triệu đồng trên kế hoạch 560.000 triệu đồng, bằng 95% kế hoạch do trong nghị quyết đại hội cổ đông. Tuy vậy trong báo cáo thi đua lại ghi 512.860 triệu đồng, bằng 102,57% kế hoạch là không trung thực với nghị quyết đại hội cổ đông. Từ việc chỉ đạt 95% kế hoạch được khai khống lên hoàn thành vượt KH 2,5% (tăng 7,5% so với thực tế).
Bên cạnh đó, doanh thu hàng Công ty sản xuất chỉ đạt 398.787 triệu đồng, bằng 90% kế hoạch lại được khai khống lên 412.200 triệu đồng, so với kế hoạch vượt 3,05% (tăng 13,05% so với thực tế).
Đặc biệt, chỉ tiệu lợi nhuận trước thuế 4.616 triệu đồng, chỉ đạt 82% kế hoạch, trong báo cáo thi đua lại báo cáo gian dối là 4.600 triệu đồng, bằng 109,52% kế hoạch, tăng 27,52% so với thực tế. Cả 3 chi tiêu chính đều báo cáo gian đối trong báo cáo thi đua so với nghị quyết đại hội cổ đông.
Ngoài ra, những chỉ tiêu phụ cũng được “gia giảm” để làm đẹp báo cáo thành tích để qua mắt cơ quan chức năng. Đơn cử chỉ tiêu thu nhập bình quân người/tháng là 6,8 triệu đồng, ngay trong phần báo cáo lại ghi 7,2 triệu đồng/người/tháng. Nhưng trong báo cáo tại đại hội cổ đồng ngày 28/4/2021 lại ghi: "Thu nhập bình quân/tháng của người lao động khoảng 8 triệu đồng". Ba con số khác nhau, nên tin con số nào?
Chỉ tiêu đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng được kê khai không trung thực. Cụ thể, trong báo cáo thi đua là công ty có 814 lao động; báo cáo tại đại hội cổ đông là 809 lao động. Trong khi đó Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa chỉ xác nhận bằng văn bản Công ty chỉ đóng BHXH, BHYT cho 790 lao động. Như vậy, còn 24 lao động không được đóng các loại bảo hiểm.
Chỉ tiêu về nộp thuế cho ngân sách theo báo cáo thi đua là hơn 18 tỷ đồng. Trong khi đó, Cục thuế Thanh Hóa chỉ xác nhận phần nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp là hơn 11 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế VAT.
Như vậy, so sánh với báo cáo kiểm toán, nghị quyết đại hội cổ đông, xác nhận của cơ quan thuế và bảo hiểm, hầu như tất cả các số liệu trong bảng kê khai thành tích để đề nghị cấp cờ thi đua của công ty đều được “vẽ rắn thêm chân”, không đúng với thực tế.
Trao đổi với chúng tôi, cổ đông Lường Văn Sơn, nguyên Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp cho biết đó là biểu hiện của bệnh thành tích, chạy theo thành tích cần phải loại bỏ trong môi trường doanh nghiệp hiện nay. Cờ thi đua của chủ tịch tỉnh hay thủ tướng chính phủ cấp cho doanh nghiệp “có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước 2020" chỉ thực sự có ý nghĩa khi doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, cổ đông và người lao động thực sự được hưởng lợi ích mà kết quả sản xuất kinh doanh mang lại. Chính vì thế, ông Sơn và nhiều cổ đông khác đã viết nhiều đơn thư kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi Cờ thi đua đã cấp cho Công ty dược Thanh Hóa. Theo ông Sơn, việc khai báo gian dối để nhận cờ thi đua là hành vi vi phạm Luật thi đua khen thưởng, không thể chấp nhận được. Nếu đơn vị nào cũng khai báo gian dối để được nhận cờ thi đua thì bản thân thành tích này mất hết ý nghĩa, phong trào thi đua yêu nước bị “biến chất” trở thành nơi ban phát danh hiệu cho những đơn vị không xứng đáng. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng, làm xói mòn niềm tin vào chính sách thi đua, khen thưởng tốt đẹp của Đảng và nhà nước. “Với kết quả làm ăn bết bát như vậy, chúng tôi kính đề nghị tỉnh rút lại danh hiệu “cờ thi đua” để trao cho đơn vị thực sự xứng đáng”, ông Sơn bày tỏ nguyện vọng.
Theo tìm hiểu của PV, căn cứ Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND ngày 13/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, nguyên tắc thi đua, khen thưởng được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật thi đua khen thưởng, Điều 3 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ, Điều 2 Thông tư số 08/2017/TT- BNV ngày 27/10/2017 của Bộ Nội vụ. Trong đó việc xem xét thi đua, khen thưởng “phải gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân” hoặc “các tập thể và cá nhân từ yếu kém phấn đấu thành điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua”; có thành tích tiêu biểu, phạm vi ảnh hưởng lớn đối với tỉnh.