Xã hội

Bữa cơm cuối cùng của trưởng xóm bị vùi lấp khi giúp dân sơ tán

Trước khi vào xóm, nó nói mấy ngày nay mưa nhiều, sợ nước thác đổ mạnh nên phải vào giúp bà con sơ tán đồ đạc, lương thực khỏi vùng nguy hiểm - bà Bùi Thị Lưng kể lại lần cuối chia tay con.

Trưởng xóm Khanh, Đinh Công Hức, đã bị vùi lấp trong lúc đi vận động người dân sơ tán khỏi vùng mưa lũ nguy hiểm...

Trong căn nhà nhỏ nằm giữa ngã ba đường, nơi cách điểm sạt lở khoảng 500m, chị Đinh Thị Lân (1983) vợ anh ngồi thất thần giữa sàn nhà. Mắt chị ngấn lệ nhìn ra phía người chồng đang bị nằm vùi trong đống đất hoang lạnh sau trận sạt lở kinh hoàng rạng sáng qua.

Chị Đinh Thị Lân, vợ anh Hức khóc nghẹn ngóng tin chồng

Mẹ, vợ và con trai ngồi bên cửa ngóng tin anh Đinh Công Hức

Người phụ nữ gắng gượng, tựa lưng vào tường nhà để ngóng tin chồng từ đoàn cứu hộ. Ngồi nép bên chị là cậu con trai Đinh Công Tuấn (10 tuổi) mắt đượm buồn, nhìn vô định về phía người cha đang bị vùi lấp, cháu còn quá nhỏ để hiểu được những mất mát đang ập đến gia đình nhỏ.

Lời dặn dò cuối

Trong nỗi đau tê dại, chị Lân kể: “Chồng tôi làm cán bộ thôn gần 20 năm nay, quanh năm quần quật với việc làng, việc nước. Sáng anh ấy đi sớm, chiều tối mới về. Mọi việc anh làm đều vì dân làng, từ việc nhỏ đến việc lớn đều đến tay”.

“Thi thoảng hai vợ chồng ngồi cạnh nhau bên mâm cơm, anh nói buồn khi không cho tôi và các con cuộc sống sung túc hơn, muốn gia đình không còn lam lũ vất vả. Chưa kịp thực hiện những dự định, anh đã bỏ mẹ con tôi mà đi” - chị Lân khóc nghẹn.

Hai mẹ con tựa cửa chờ tin anh Hức từ đội cứu hộ

Con trai Đinh Công Tuấn lặng lẽ khi biết tin cha gặp nạn

Anh Hức bị vùi trong nghìn mét khối đất, bỏ lại chị Lân và hai cậu con trai (con lớn 14 tuổi, bé 10 tuổi).

“Tôi đã nhiều lần nhắc nhở chồng làm gì cũng phải cẩn thận giữ mình. Lần nào anh ấy cũng động viên rằng không sao đâu, anh biết cách lo cho bản thân”- chị Lân nói trong nước mắt.

Bên góc nhà, bà Bùi Thị Lưng (60 tuổi), mẹ đẻ của trưởng thôn Hức khóc thương cho đứa con trai xấu số. Lòng người mẹ đau quặn khi vừa mới tối qua còn cùng con ăn bữa cơm rồi nói đủ chuyện, bỗng phút chốc nhận tin dữ con mình đang bị vùi sâu trong đất sỏi.

“Trước khi lên đường vào xóm, nó chỉ nói ngắn gọn với tôi là mấy ngày nay mưa nhiều, sợ nước thác đổ mạnh nên phải vào giúp bà con sơ tán đồ đạc, lương thực” - bà Lưng kể lại lần cuối chia tay con.

Bà Bùi Thị Lưng buồn bã ngóng tin con trai từ lực lượng cứu hộ

Dù cố nuôi hy vọng nhưng cả bà Lưng lẫn chị Lân đều đang dần chấp nhận sự thật là anh Hức sẽ không thể trở về với gia đình. Mọi thứ đến chóng vánh, không ai biết trước ngày mai sẽ phải làm gì khi mất đi anh Hức.

“Giờ tôi không biết phải làm gì nữa, cũng không biết thời gian tới cả nhà sẽ sống thế nào, cả nhà đều một tay anh ấy gồng gánh, giờ mẹ con tôi bơ vơ quá” - chị Lân nói trong tuyệt vọng.

Xóm Khanh mất ‘bố’

Với người dân nơi thôn nghèo, anh Hức được ví như ông ‘bố’ của cả thôn, công việc xóm làng đều có bàn tay của anh.

Bà Bùi Thị Inh (63 tuổi) buồn bã: “Anh Hức sống tình cảm, gần gũi mọi người lắm. Giờ anh ấy mà không về nữa thì coi như chúng tôi mất đi ông bố tinh thần”.

Gạt nước mắt, bà Inh chỉ tay về phía móng nhà văn hóa thôn đang xây dở, đây là công trình tâm huyết bao nhiêu năm mà anh Hức vận động, làm thủ tục để xây cho bà con một nơi sinh hoạt cộng đồng. Không ai ngờ, mới tổ chức lễ động thổ cách đây mấy ngày mà nay anh đã “lành ít, dữ nhiều”.

Theo lời kể của người dân xóm Khanh, đây chẳng phải lần đầu tiên anh Hức vào vận động bà con sơ tán khỏi vùng sạt lở.

“Mỗi lần mưa lũ, tôi đều thấy anh Hức không ngại khổ vào tận từng nhà trong xóm vận động bà con đến nơi an toàn, tránh khỏi dòng thác dữ. Có lẽ đêm qua là lần cuối cùng anh ấy được làm công việc ấy” - một người dân chia sẻ.

Tác giả: Đoàn Bổng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok