Xã hội

Yên Bái sau lũ quét: Dốc sức cho ngày khai trường

Hôm chúng tôi đến, bà con Mù Cang Chải vẫn đang tập trung dựng lại nhà cửa và lo cho đám ma của những người vừa được tìm thấy. Vết tích về cơn lũ quét vẫn còn khắc trên những gương mặt thất thần, kinh hãi của người dân nơi này.

Lực lượng chức năng tìm kiếm 6 nạn nhân đang bị mất tích tại khu vực hồ thủy điện. Ảnh: C.T

Mong kịp ngày tựu trường

Do địa hình dốc, phức tạp cộng với lượng mưa lớn trong thời gian dài ngày, các tuyến giao thông bị sạt lở nhiều đất đá và bị chia cắt hoàn toàn nên để vào bản Hú Chù Lình, xã Lao Chải (Mù Cang Chải – Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn.

Bản Hú Chù Lình có 153 hộ gia đình, trong đó có 12 hộ nằm trong khu có nguy cơ sạt lở đất đá và lũ ống, lũ quét. Với phương châm nhanh gọn, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân, các cán bộ, chiến sỹ trong đoàn công tác đã tiến hành giúp các hộ gia đình này tháo dỡ nhà, chuyển đến địa điểm mới.

Tại điểm trường Tà Ghênh thuộc Trường mầm non Lao Chải, ngay tại các lớp học của điểm trường này giờ đây đã bị mưa lũ biến thành dòng suối có nước chảy xiết. Lũ ống đã cuốn trôi toàn bộ lớp học cùng đồ dùng, thiết bị dạy và học.

Theo cô Hiệu trưởng Hà Thị Nhàn, trường có 8 điểm lẻ và 1 điểm trung tâm, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Riêng điểm trường Tà Ghênh bị xóa sổ hoàn toàn. Hiện công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ đang được tiến hành khẩn trương.

“Mấy ngày nay, các giáo viên đã cật lực lao động để thu dọn trường lớp. Sau cơn lũ, nhìn trường lớp ai cũng ngao ngán và xót xa. Nhưng không vì thế mà chúng tôi nản trí.

Mọi người không ai bảo ai, lòng tự nhủ phải vượt qua hoạn nạn, khó khăn này. Mỗi người một việc, người nạo vét bùn đất, người khơi thông dòng chảy, người khuân vác di chuyển đồ đạc… ai nấy đều lấm lem bùn đất và làm việc không biết mệt mỏi”, cô Nhàn tâm sự.

Cán bộ và người dân chung tay nỗ lực khắc phục hậu quả trận lũ.


Có mặt tại Trường tiểu học & THCS Thị trấn Mù Cang Chải – nơi mưa lũ vừa đi qua mới thấy hết sự tàn khốc của thiên nhiên.

Cô Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng cho biết: Lũ ống đã phá hủy toàn bộ 6 phòng nhà ở công vụ giáo viên, làm đổ tường 4 phòng học. Toàn bộ bàn ghế, các thiết bị dạy học, tường rào, nhà để xe… cũng bị phá hủy hoặc cuốn trôi. Cho đến bây giờ, cô Thủy và các giáo viên trong trường vẫn không tin vào mắt mình về những gì đã xảy ra.

“Ngay sau khi mưa, lũ kết thúc, nhà trường đã huy động toàn bộ giáo viên kết hợp với bộ đội và các lực lượng khác đến dọn dẹp, khắc phục hậu quả thiên tai. Chúng tôi đang tổng lực và tập trung dồn sức thu dọn, nạo vét bùn đất, đá tràn ngập trong các lớp học, sân trường. Chúng tôi hy vọng sẽ kịp cho học sinh tựu trường vào ngày 21/8 tới đây”, cô Thủy chia sẻ.

Người dân trào nước mắt khi nhận cứu trợ

Người dân đang di chuyển tài sản đồ đạc khỏi khu vực nguy hiểm.


Sau lũ quét, những căn nhà ở xã Kim Nọi bị lũ cuốn trôi gần như không còn dấu vết. Đến ngay cả những vật dụng sắt thép như máy xát, xe máy để trong nhà giờ này cũng không biết bị lũ cuốn trôi tận nơi đâu. Con suối từ đỉnh núi chảy xuống đang còn gào thét bên cạnh những mảng rừng sạt lở loang lổ.

Tại điểm nhận cứu trợ, chúng tôi chỉ gặp hầu hết đàn bà và trẻ nhỏ. Cán bộ xã cho biết, cánh đàn ông trai tráng trong xã, phần phải tập trung dựng lại nhà cửa, phần đang lo chạy đám ma cho bà Hảng Thị Dông vừa tìm thấy xác hôm trước. Vết tích về cơn lũ quét vẫn còn khắc trên những gương mặt thất thần, kinh hãi của người dân nơi này.

Dắt theo 3 đứa con đến nhận cứu trợ, chị Thào Thị Sày ở bản Kháo Giống, kể: “Lũ ập về nhanh lắm. Cả nhà chị chạy kịp có người thôi. Mất hết rồi. Không còn gì nữa cả. Không có dép để đi, không có chăn để đắp”.

Ông Chang A Hù - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Noi nói thêm vào như một lời xác nhận về hoàn cảnh mất sạch tài sản của gia đình chị Sày: “Cả xã Kim Nọi có 5 hộ gia đình trôi sạch cả nhà như vợ chồng Sày - Lẩu. Còn những hộ không mất sạch cũng nhiều lắm.

Lúc lũ về, trong nhà họ có cả xe máy, máy cày với cả máy xay xát. Tưởng mấy thứ nặng thế lũ không cuốn đi xa được nên sau đó dân bản có tổ chức đi dọc suối tìm nhưng không thấy nữa”.

Những hộ mất nhà này đang được chính quyền xã đang bố trí ở tạm tại trường Kim Nọi. Nhận gạo, chăn len, quần áo, giày dép, sách vở từ đoàn cứu trợ, Giàng Thị Trù, vợ của Mùa A Dà dắt đám con lít nhít trở về “nhà tạm” để nấu cơm.

Chị thật bụng rằng: Từ hôm lũ đến giờ, nhà cửa mất hết, chỉ kịp lo cái ăn chứ quần áo, chăn màn, giày dép chưa có cho hai vợ chồng với mấy đứa con dùng. Chị cũng nói lời cảm ơn bằng tiếng Kinh lơ lớ khi nhìn vào phần quà cứu trợ của đoàn công tác, nước mắt như muốn chực trào…

Mù Cang Chải thiệt hại hơn 540 tỷ đồng sau lũ quét

Chiều 11/8, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Trong 2 ngày 10 và 11 tại Mù Cang Chải vẫn tiếp tục có mưa lớn khiến việc khắc phục hậu quả và tổ chức sơ tán nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Riêng tại xã Chế Tạo hiện nay vẫn chưa thông đường, các phương tiện máy móc đang tập trung tối đa để làm lại những đoạn đường bị mưa lũ phá hỏng”.

Ông Khánh cũng chưa biết, lực lượng cứu nạn cứu hộ mới tìm thấy thi thể 3 nạn nhân bị lũ cuốn trôi tại khu vực hồ thủy điện Khao Mang Chải. Đến thời điểm hiện tại, trận lũ quét rạng sáng 3/8 tại huyện Mù Cang Chải khiến 8 người chết, 6 người mất tích và 9 người bị thương.

Về tài sản, toàn huyện có 61 nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn và bị ảnh hưởng, 60 nhà với 342 nhân khẩu phải di dời, 165 công trình bị hư hại.

Tổng khối lượng vùi lấp 132.000m3, 75 ha diện tích hoa màu bị thiệt hại, 11 xe máy, 23 con gia súc bị lũ cuốn trôi. Ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 540,44 tỷ đồng.

“Những ngày qua, Ban tiếp nhận của huyện Mù Cang Chải đã tổ chức tiếp đón hàng trăm đoàn gồm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đến ủng hộ nhân dân vùng lũ với số tiền gần 20 tỷ đồng, hơn 4 tấn gạo, gần 6.000 thùng mì ăn liền, 20 tấn xi măng và một số hàng tiêu dùng khác.

Đúng là trong hoạn nạn, tình người lại càng lan tỏa hơn bao giờ hết. Trong hoạn nạn, không có những khẩu hiệu, không có những sáo ngữ, chỉ còn lại một ý chí duy nhất: Đồng bào của mình thì mình thương thôi, đồng bào của mình thì mình cưu mang đùm bọc thôi”, vị Phó chủ tịch tỉnh chia sẻ.

Tác giả: Cao Tuân

Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội

  Từ khóa: hậu quả , khắc phục , Yên Bái

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok