Ở cấp độ các đội tuyển, bóng đá Việt Nam còn 2 giải đấu rất đáng chú ý trong năm 2018, đó là Asiad vào giữa năm (ở Indonesia) và AFF Cup vào cuối năm.
Tại AFF Cup, đúng 10 năm nay, bóng đá Việt Nam chưa được hưởng niềm vui trọn vẹn, bởi sau ngôi vô địch năm 2008 của thế hệ Minh Phương, Tài Em, Công Vinh, Như Thành, Phước Tứ…, chúng ta chưa bao giờ trở lại ngôi vị cao nhất, thậm chí chưa bao giờ trở lại với trận chung kết.
Còn tại đấu trường Asiad, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ có huy chương, tức là chưa hề lọt đến vào bán kết của giải đấu này.
Hai lần được xem là thành công nhất của các đội tuyển Olympic Việt Nam tại Á vận hội đó là vào năm 2010 ở Quảng Châu – Trung Quốc, dưới thời HLV Calisto (thực chất lúc đó HLV Calisto chỉ xuất hiện từ trận cuối vòng bảng, trước đó trợ lý HLV Phan Thanh Hùng nắm đội), một lần khác là tại Incheon – Hàn Quốc năm 2014, dưới thời HLV Miura. Cả 2 lần vừa nêu, đội tuyển Olympic Việt Nam đều vào đến vòng 1/8.
Sau khi đội tuyển U23 Việt Nam thành công ở sân chơi U23 châu Á hồi tháng 1 vừa rồi, niềm tin của bóng đá nội tại 2 giải đấu quan trọng còn lại trong năm 2018 là Asiad và AFF Cup cũng tăng cao.
Về cơ bản, thành phần của các đội bóng châu Á tham dự Asiad 2018 sẽ tương tự như thành phần tham dự giải U23 châu Á 2018, bởi đội tuyển Olympic dự Á vận hội của các quốc gia chính là đội tuyển U23 có tăng cường thêm 3 cầu thủ ngoài tuổi 23.
Đội tuyển Olympic Việt Nam cũng vậy, chúng ta có thể tăng cường thêm tối đa 3 cầu thủ hay nhất của bóng đá nội ngoài lứa tuổi 23, để tiếp tục mơ về việc tạo bất ngờ cho các đối thủ tầm châu lục, như đội tuyển U23 Việt Nam từng thực hiện.
Sau khi U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích châu Á là vào đến chung kết giải U23 châu lục, nhiều người đang mơ tiếp về chuyện có thể giành huy chương Asiad. Dĩ nhiên, giữa mơ và thực luôn là khoảng cách không nhỏ, nhưng sau thành công của các cầu thủ U23 Việt Nam cách nay khoảng 1 tháng, niềm tin về đội bóng này đã tăng đáng kể so với trước.
Giải đấu quan trọng tiếp theo của bóng đá Việt Nam trong năm nay là AFF Cup 2018. So về quy mô, AFF Cup không lớn bằng giải U23 châu Á hay Asiad, vì AFF Cup chỉ là giải đấu tầm khu vực. Nhưng về tính chất, thì đấy là giải đấu quan trọng hơn, gì AFF Cup dành cho các đội tuyển quốc gia, tức là các đại diện của toàn bộ nền bóng đá từng nước.
Từ sau ngôi vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ trở lại với trận chung kết của giải đấu này, chủ yếu do chất lượng nguồn cầu thủ và chất lượng bóng đá nội nói chung đi xuống.
Hiện tại, sau thành công của đội U23 Việt Nam, chất lượng cầu thủ nội có dấu hiệu khởi sắc. Đặc biệt, về mặt tinh thần, các cầu thủ nội đang có sự hưng phấn nhất định, điều đấy có thể tạo nên trạng thái tâm lý tốt, sự tự tin cho đội tuyển Việt Nam khi đối đầu với các đội bóng trong khu vực.
Ngay đến Thái Lan hiện tại cũng phải e dè đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup, qua việc đã có quan chức của Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) đặt cược “chiếc ghế” của mình đi kèm với thành tích của đội tuyển Thái Lan ở AFF Cup 2018, sau khi chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của bóng đá Malysia và nhất là Việt Nam tại giải U23 châu Á vừa rồi. Điều đó, ít nhiều sẽ giúp cho đội tuyển của chúng ta có vị thế khác ở sân chơi Đông Nam Á.
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: Báo Dân trí