Bỏ việc văn phòng lương 8 triệu đồng/tháng về bán trà đá
Có ngoại hình ổn, gương mặt sáng lại đang ở độ tuổi còn khá trẻ, chị T. (31 tuổi, quê ở Ninh Bình) khiến nhiều người không khỏi bất ngờ khi từng bỏ việc lương cao để về bán trà đá vỉa hè.
Năm 2010, chị T. tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân với tấm bằng loại giỏi và được nhận vào làm nhân viên kinh doanh trong một ngân hàng tư trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Với mức lương khởi điểm 8 triệu đồng/tháng khi ấy, chị khiến nhiều người phải ghen tị vì có công việc ổn định, thu nhập tốt lại được “ngồi mát” cả ngày. Năm 2012, chị kết hôn, chuyển về sinh sống cùng gia đình chồng tại quận Hoàng Mai.
Kết hôn được hơn 1 năm, gắn bó với công việc 3 năm, chị T. quyết định bỏ việc trước sự ngỡ ngàng của cả gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
Chị tâm sự, bản thân cảm thấy áp lực vì công việc quá tải, chưa kể đủ loại chỉ tiêu “đè đầu”. Nhiều hôm “cắm mặt” ở cơ quan đến tối muộn mà vẫn chưa xong việc, chị về nhà không còn thời gian chăm sóc gia đình.
Tình trạng trên kéo dài khiến chị suy nhược cơ thể, hay đau đầu và mất dần năng lượng tích cực dù còn rất trẻ. Chị nghĩ, khi hai vợ chồng có con mà bản thân đi làm vất vả như vậy thì không thể chu toàn cho con cái và gia đình.
Sau khi nghỉ việc, chị T. dành thời gian nghiên cứu thị trường, tham khảo các địa điểm và hỏi ý kiến nhiều người. Chị quyết định mở quán nước trà đá vỉa hè vì tin rằng đây là công việc phù hợp với tính cách bản thân và quan trọng không bị gò bó thời gian, kinh tế,... Với số tiền tiết kiệm ít ỏi từ công việc trước đó, chị dành làm vốn, liên hệ đặt chỗ bán trà đá ngay gần nhà.
Hồi ấy, gần chỗ nhà chị có khu đô thị mới mọc lên, nhiều người đến thuê, ở mà các quán trà đá thì chưa có nhiều nên chị T. càng hi vọng. Tiền vốn bỏ ra ban đầu khá ít. Chị mua ít chè mạn, đá, kẹo lạc, thuốc lá, nước ngọt rồi thêm chục cái ghế nhựa nhỏ cho khách ngồi.
Lúc mới mở quán, chỉ có chồng là luôn phụ giúp, động viên vợ còn gia đình hai bên đều ngán ngẩm, không ủng hộ chị vì cho rằng “nuôi ăn học tử tế bao năm lại về bán trà đá là phụ lòng bố mẹ”.
Bỏ ngoài tai tất cả, chị quyết tâm làm lụng, bắt đầu công việc mới vì nghĩ nghề nào cũng là nghề, miễn sao là lao động chân chính, đàng hoàng.
Bán hàng suôn sẻ, thời kì “cao điểm” thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng
Thời gian đầu chưa vướng bận con cái, chị T. bán trà đá cả sáng, chiều và tối. Chị bày bàn nhựa, sắp xếp đồ gọn gàng kèm theo chục cái ghế nhựa sẵn.
Sáng chị bán từ 8h-12h, chiều tối từ 17h-23h. Tuy mới bán nhưng dân cư sinh sống quanh khu vực rất đông nên quán nước nhỏ của chị cũng nhiều khách. Mấy tháng đầu tiên, trung bình mỗi ngày chị bán được 150 cốc trà, thêm chút lãi từ đồ ăn kèm như hoa quả, bánh trái,..., chị kiếm được khoảng 14 triệu đồng/tháng.
Bỏ việc văn phòng về bán trà đá vỉa hè, chị T. kiếm được nguồn thu nhập khá khẩm. Ảnh minh họa |
Chị T. trẻ trung, nhiệt tình lại khéo ăn nói nên rất được lòng mọi người. Những tháng sau đó, lượng khách đến uống trà đông hơn và ngày càng ổn định. Ngoài trà, chị bán thêm nước nhân trần, nước vối, mùa hè thì làm nước mía, nước dừa, nước sấu, me ngâm,... hay cả hoa quả gọt sẵn theo mùa để phục vụ khẩu vị đa dạng của khách.
Trung bình mỗi cốc trà được bán với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/cốc, vì nguyên liệu rẻ nên chị lãi được khoảng 2.500 đồng/cốc. Mỗi ngày chị bán 200-250 cốc, có lúc đỉnh điểm khách đông, cả chồng ra hỗ trợ còn không xuể.
Thậm chí, có người đến uống không chỉ 1 mà 2-3 cốc. Tính ra, riêng tiền trà đá mỗi ngày, chị T. thu được hơn 500.000 đồng, chưa kể tiền lãi từ các loại đồ ăn, nước uống và đồ lặt vặt khác nữa.
Với vốn bỏ ra ban đầu khá ít, lại không mất tiền thuê mặt bằng hay đầu tư máy móc nên nguồn thu hàng tháng của chị từ việc bán trà đá không bị hao hụt nhiều.
Kể từ sau khi ổn định, trung bình mỗi tháng chị kiếm được khoảng 20 - 25 triệu đồng. Mùa hè nóng nực, nhu cầu giải khát của khách tăng cao, có tháng chị thu lời tới 40 triệu đồng.
Vì ở cùng bố mẹ chồng nên chị hạn chế được khoản tiền ăn uống. Trừ các khoản chi phí sinh hoạt, chi tiêu cá nhân, mỗi tháng chị tiết kiệm được 25 triệu đồng (gồm 20 triệu từ quán nước và 5 triệu tiền lương còn dư của chồng).
Hai năm đầu tiên, vợ chồng chị để dành được hơn 600 triệu đồng. Thấy con cái vui vẻ, hạnh phúc, buôn bán cũng sinh lời, bố mẹ anh chị dần thoải mái hơn và không còn khắt khe, ngăn cản nữa.
Tiền kiếm được bao nhiêu "dồn" hết mua nhà
Đầu năm 2016, chị T. có bầu. Anh chị tính mua nhà ở riêng cho rộng rãi, tiện sinh hoạt và chăm sóc con cái. Vì bán hàng nước hàng ngày, trò chuyện cùng nhiều người nên chị T. biết có chỗ nào cần bán nhà, bán đất.
Thấy có khách đang cần bán chung cư ở khu đô thị gần quán nước, chị T. hỏi thăm ngay. Căn hộ còn khá mới, diện tích 70 m2, gồm 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh được rao bán với giá 900 triệu đồng.
Suy tính thấy đường đi lại thuận lợi, có thể đi bộ ra chỗ bán hàng mà xung quanh nơi ở nhiều dịch vụ tiện ích, chị T. bàn với chồng vay thêm tiền mua nhà.
Anh chị bán hết vàng cưới, gom sạch tiền tiết kiệm được 700 triệu đồng rồi vay thêm bố mẹ hai bên 200 triệu đồng. Mua xong, hai vợ chồng chị cạn sạch cả vốn nhưng bù lại có nhà riêng nên tinh thần rất phấn chấn, càng có thêm động lực “cày cuốc”, tiết kiệm.
3 năm bán trà đá chăm chỉ lại biết cách tiết kiệm, chị T. đã mua được căn nhà gần tỷ đồng. |
Thời gian chị T. sinh em bé, ở cữ, bố mẹ chồng chị thay phiên nhau bán quán nước để giữ khách.
Vì quán gần nhà nên sau khi sinh được 6 tháng, chị lại ra bán hàng rồi tranh thủ lúc vắng khách về cho con bú. Từ khi có con, chị phải chi tiêu thêm 3 triệu tiền bỉm sữa mỗi tháng.
Đến cuối năm 2019, công việc bán hàng vẫn thuận lợi suôn sẻ, ngoài thanh toán khoản nợ 200 triệu đồng mua nhà, anh chị còn được hơn 600 triệu đồng tiết kiệm. Bố mẹ đẻ ở quê bán được mảnh đất, cho vợ chồng chị thêm 200 triệu để làm ăn.
Sau khi sở hữu một căn chung cư, chị T. lại mạnh tay tậu thêm căn hộ với giá 780 triệu đồng. |
Khi dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội, quán nước của chị phải tạm dừng hoạt động. Khi tình hình dịch bệnh ổn định, chị lại bán hàng bình thường, tuy nhiên, lượng khách giảm đáng kể nên thu nhập cũng ít đi.
Thời điểm này, bất động sản ảnh hưởng do dịch nên giá nhà, đất giảm nhiều. Vốn “máu” kinh doanh nên vợ chồng chị T. bàn bạc mua thêm căn chung cư nữa để có thêm thu nhập mà tiền cũng sinh lãi.
Nghe khách đến uống trà trò chuyện, chị hỏi thăm, tìm được căn 1 phòng ngủ, diện tích 45m2 ở tòa đối diện với giá 780 triệu đồng. Mua xong, anh chị đăng tin cho thuê luôn với giá 5 triệu đồng/tháng.
Vì khu vực xung quanh có nhiều dịch vụ tiện ích thuận lợi, nhà lại đẹp, có đủ đồ đạc cần thiết, giá cả phải chăng nên chỉ vài tuần là có khách hỏi thuê ngay.
Ít tiền còn dư, thêm khoản thu nhập từ việc bán trà đá, cho thuê nhà hàng tháng, anh chị lại tiếp tục tiết kiệm, hướng tới nhiều mục tiêu lớn hơn cũng như chuẩn bị điều kiện vật chất để lo cho con cái đi học.
Vậy là sau gần 7 năm bỏ việc văn phòng về bán trà đá, tính theo giá trị bất động sản hiện thời, chị T. đã sở hữu trong tay 2 ngôi nhà vài tỷ đồng nhờ chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm. Chị cảm thấy hài lòng và may mắn vì quyết định đúng đắn của mình.
Tác giả: Thảo Trinh
Nguồn tin: Báo Dân trí