Giáo dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ưu tiên gì cho năm học mới?

Trong năm học mới 2018-2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ ưu tiên thực hiện đảm bảo cơ sở trường lớp học, nâng cao đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh tự chủ ĐH.

Năm học mới 2018-2019 đang đến. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, những nhiệm vụ ưu tiên sẽ được Bộ thực hiện trong năm học mới.

Đảm bảo đủ trường lớp đón chào năm học mới

PV: Xin Bộ trưởng cho biết, ngành Giáo dục đã có những giải pháp như thế nào để các địa phương đảm bảo cho tất cả học sinh đều được đến trường trong dịp năm học mới?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Toàn ngành Giáo dục và các địa phương đã rất cố gắng chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục vụ cho việc khai giảng năm học mới như: cơ sở vật chất trường lớp học, đội ngũ giáo viên.

Trong những ngày qua, mưa lũ đã xảy ra ở một số tỉnh miền Bắc, miền Trung, các tỉnh ĐBSCL gây thiệt hại lớn tới hệ thống trường lớp. Trước tình hình này, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương phải đảm bảo an toàn cho các thầy cô giáo, chuẩn bị chu đáo những điều kiện về cơ sở vật chất để đón năm học mới.

Trong năm học mới 2018-2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ ưu tiên thực hiện đảm bảo cơ sở trường lớp học, nâng cao đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh tự chủ ĐH (ảnh minh họa)

PV: Cứ đến năm học mới thì vấn đề thiếu trường lớp, giáo viên lại được nêu ra với ngành Giáo dục. Tại kỳ họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo không để thiếu giáo viên, trường lớp học ngay khi bước vào năm học mới. Vậy Bộ trưởng có khẳng định rằng, chỉ đạo này được ngành Giáo dục và các địa phương thực hiện đầy đủ?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã rất quan tâm đến các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học. Trong phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến việc trong năm học mới, các địa phương không được để thiếu lớp học, giáo viên; kiên cố hóa trường lớp học ở những vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, thường xuyên gặp bão lũ...

Trước yêu cầu này, Bộ GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để giải quyết việc thiếu giáo viên, tính toán làm sao đảm bảo số lượng giáo viên cho các địa phương theo định biên, quy định của ngành.

Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Bộ cũng hy vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm phê duyệt đề án này nhằm góp phần nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp học.

Chuẩn giáo viên và hiệu trưởng được ưu tiên hàng đầu

PV: Năm học này, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp đã được đề ra từ 2 năm trước. Hiện nay, phụ huynh học sinh và toàn xã hội đang rất quan tâm đến việc Bộ trưởng sẽ ưu tiên thực hiện nhiệm vụ nào nhất?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Ngành Giáo dục đang bám sát vào những nhiệm vụ đặt ra theo như Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và Nghị quyết 44 của Chính phủ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (ảnh: Bộ GD-ĐT)

Trong những nhiệm vụ và giải pháp đưa ra, nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục từ mầm non cho đến ĐH; sắp xếp dồn dịch, quy hoạch các điểm trường một cách hợp lý, tránh tình trạng làm cơ học.

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông có đề cập đến trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn quy định chuẩn cụ thể để tham khảo.

Đối với nhiệm vụ phát triển đội ngũ giáo viên, trong năm học 2018-2019, Bộ GD-ĐT luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng vì muốn nâng cao chất lượng giáo viên và đội ngũ quản lý giáo dục thì trước tiên phải sửa đổi các chuẩn. Điều này cũng nhằm tránh tình trạng một số địa phương cứ nói rằng thừa chuẩn, vượt chuẩn nhưng chuẩn đó chưa phản ánh đúng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, ngành Giáo dục sẽ có những đợt tập huấn để bồi dưỡng hỗ trợ giáo viên, đội ngũ quản lý. Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng trong năm học mới là căn cứ vào lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, chuẩn giáo viên và đội ngũ quản lý, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, quản lý trường học.

Đối với cấp Tiểu học khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ở nơi nào không đủ điều kiện giảng dạy 2 buổi/ngày, Bộ GD-ĐT cũng đã tham mưu với các Bộ ngành trình Chính phủ đề án kiên cố hóa trường lớp, kết hợp với chương trình mục tiêu quốc gia, nông thôn mới, chương trình trái phiếu Chính phủ, giáo dục miền núi để tập trung ưu tiên đầu tư cho những vùng khó khăn.

Trong năm học này, ngành Giáo dục cũng ưu tiên tập trung nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh theo hướng không chỉ giáo dục ở trong nhà trường mà còn ở ngoài nhà trường.

Đối với bậc Đại học, Bộ GD-ĐT đang rất quan tâm tới việc để các trường tự chủ. Để thúc đẩy các trường thực hiện tự chủ mạnh mẽ hơn nữa, Bộ đang xây dựng Nghị định về tự chủ đại học trình Chính phủ xem xét.

Ngoài ra, Bộ cũng đang cùng với Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thực hiện việc xem xét sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục Đại học để trình Quốc hội thông qua trong kỳ hợp tới. Tất cả những việc làm này nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!/.

Tác giả: Bích Lan

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok