Trong nước

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất Chính phủ mua công nghệ mới của startup

“Chính phủ luôn là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia. “Ông” này chi tiêu vào đâu chỗ đó sẽ phát triển”.

Trong Diễn đàn "Tìm giải pháp đột phá cho Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam" chiều 29/11 tại Đà Nẵng, khi Thủ tướng đề nghị phát biểu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra những vấn đề mấu chốt để startup vươn ra toàn cầu. Đó là tạo không gian quản lý, điều kiện tài chính và phương tiện. Đây cũng là một trong những khó khăn nhiều startup kiến nghị Chính phủ tháo gỡ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Đông.

Theo ông Hùng, khởi nghiệp (startup) là nói về cái mới. Theo nguyên lý thường cái mới phá hủy cái cũ nên phải có cách tiếp cận mới.

"Logic bình thường cái gì không quản được thì cấm, logic mới là cái gì không quản được thì không quản, cho nó phát triển trong một không gian, thời gian nhất định sau đó khi các vấn đề lộ ra chúng ta mới bắt đầu điều chỉnh nó", ông Hùng nói và đề xuất Chính phủ theo cách tiếp cận này để khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo.

Ở góc độ tạo vốn, ông Hùng đưa ra các gợi ý trước hết khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ, mới, là các startup theo kiểu "doanh nghiệp anh đầu tư vào doanh nghiệp em". Cách làm này nhằm tận dụng sức sáng tạo, nguồn lực từ giới trẻ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Chính phủ luôn là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia. "Ông này" chi tiêu vào đâu thì chỗ đó sẽ phát triển.

"Đề nghị Thủ tướng cho chi tiêu Chính phủ tập trung vào các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là công nghệ của các startup", ông Hùng đề xuất và cho rằng đây là nguồn vốn tạo đà quan trọng nhất với các startup. Ông cũng kêu gọi doanh nghiệp nhà nước (chiếm 30% nền kinh tế Việt Nam) nên thành lập quỹ đầu tư để thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo.

Khi có không gian, có vốn đầu tư, đầu ra để sản phẩm vươn ra toàn cầu, điểm nghẽn là ngôn ngữ. Bộ trưởng Hùng đề nghị Thủ tướng sớm tuyên bố tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ hai của Việt Nam. Điều này giúp giải quyết điểm nghẽn tiếng Anh trong giới trẻ Việt.

Đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận được nhiều tràng vỗ tay từ dưới hội trường.

Hàng trăm startup tham dự diễn đàn chiều 29/11. Ảnh: Nguyễn Đông.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng các startup không chỉ khó về vốn, mà còn mất nhà đầu tư bởi thủ tục hành chính tốn thời gian và qua nhiều khâu khiến họ nản.

Các nhà khởi nghiệp sáng tạo đa số dựa vào giải pháp công nghệ mới, nhưng khi có sản phẩm lại khó ra thị trường, khó ứng dụng thử nghiệm vì phải tuân thủ đúng quy trình như các sản phẩm công nghệ truyền thống. Thậm chí có đơn vị thấy sản phẩm hữu ích, muốn ứng dụng cũng không có cơ chế để mua do sản phẩm này chưa đủ giấy tờ chứng nhận để được quyền thương mại.

Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề "Tìm giải pháp đột phá cho Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam" thu hút hơn 300 đại biểu là thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ đang có các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư, chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Sự kiện tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia 2018 (Techfest 2018) do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tác giả: Bích Ngọc

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok