Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn. Ảnh: TN |
Phát biểu tại hội trường, đại biểu (ĐB) Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) đề cập đến dự thảo thông tư quy chế công tác học sinh sinh viên mà bộ đang lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có quy định xử lý học sinh, sinh viên bán dâm.
“Dù là dự thảo nhưng có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục đó là truyền thụ nhân cách”, ĐB đoàn Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền đánh giá.
Qua sự việc sinh viên ngành sư phạm bị đuổi học nếu bán dâm lần thứ tư, ĐB Hiền nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay.
ĐB Hiền đề nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trách nhiệm quản lý của mình trong vấn đề này.
“Vai trò của người đứng đầu ngành, khi Bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sai, sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để giữ vững sự tôn nghiêm trong giáo dục hiện nay”, ĐB Hiền nhận định.
Trả lời, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay, đang rà soát các quy định các văn bản như thông tư của ngành. Quá trình rà soát, thấy có quy định liên quan đến xử lý vấn đề học sinh sinh viên bán dâm.
"Quy định về xử lý hành vi bán dâm đối với học sinh, sinh viên được quy định từ năm 200. Sau đó, đầu năm 2016 tiếp tục đưa vào thông tư. Như vậy, thực tế, quy định này đã có. Sau khi rà soát, chúng tôi đã đề nghị tất cả nội dung không còn phù hợp thì phải bỏ, trong đó, có nội dung này”, ông Nhạ nói.
Theo Người đứng đầu ngành Giáo dục, vấn đề đặt ra ở đây là khi tiến hành sửa.
"Ban soạn thảo, đặc biệt là cán bộ, cá nhân thực hiện việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém nên đã đưa lên, gây bức xúc xã hội", Bộ trưởng nói.
Ông nhấn mạnh, ngay khi nhận được thông tin ông chỉ đạo báo cáo, xử lý ngay. "Quan điểm của tôi với tư cách Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là không cần phải đưa vào Thông tư này vì đây là phạm xã hội”, Bộ trưởng nêu.
Hoan nghênh Bộ trưởng Nhạ đã tiếp thu ý kiến dư luận xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, những quy định không hợp lý, phản cảm, gây bức xúc xã hội thì sửa ngay, rút kinh nghiệm một vấn đề như thế mà đưa rộng rãi lên mạng xã hội trong khi chưa bàn.
“Quan điểm của Bộ trưởng rất rõ ràng là phải sửa vì không hợp lý”, bà Ngân nói.
Giơ biển tranh luận lại Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ĐB Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, năng lượng tiêu cực mà Bộ mang lại là rất tiêu cực.
“Tôi vô cùng lo lắng”, ĐB Hiền bày tỏ.
ĐB Hiền nhắc lại, bà có hỏi về vai trò trách nhiệm của Bộ trưởng là người đứng đầu khi ban hành dự thảo thông tư nhưng không thấy trả lời và Bộ trưởng khi trả lời lại nói giao trách nhiệm vào cá nhân khác.
“Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ khi nào Bộ trưởng nhận ra năng lực quản trị của bộ máy giúp việc, bộ máy quản lý của ngành có vấn đề, có hạn chế thì mới có giải pháp lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục.
Tôi rất mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật này, không tránh né, không tác động để có có những giải pháp tích cực hơn”, ĐB tỉnh Phú Yên nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân liền lưu ý, ĐB đề nghị Bộ trưởng rút kinh nghiệm khi nảy trả lời đổ cho một cán bộ thiếu năng lực của ngành và ĐB chưa thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm người đứng đầu.
“ĐB Hiền chưa thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm người đứng đầu nên cần rút kinh nghiệm", Chủ tịch QH nêu.
“Bán dâm 4 lần mới bị đuổi học là quy định không phù hợp” Chiều ngày 30/10, trao đổi bên hành lang QH, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng cho rằng, quy định như dự thảo về việc xử phạt sinh viên bán dâm 4 lần là không phù hợp vì giáo dục là môi trường rất đặc biệt. “Trong môi trường sư phạm này, tôi cho rằng có hành vi vi phạm như thế dù chỉ 1 lần cũng không đủ tư cách để học, để trở thành người thầy trong tương lai”, ông Thắng nhấn mạnh. Theo ông Thắng, Mà đây không phải là lần đầu tiên một dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ này nhận được phản ứng trái chiều gay gắt của dư luận. Chính vì vậy càng cần phải hết sức cẩn trọng. “Rõ ràng phải xem lại quy trình của Bộ xem đã thực sự phù hợp chưa, không để tình trạng văn bản khi đưa ra thì nhận phản ứng như vậy”. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, không nên yêu cầu Bộ trưởng phải biết tất cả công việc của Bộ. "Đây là văn bản dự thảo, Bộ trưởng có thể ủy quyền cấp nào đó xem xét trước khi công bố. Tất nhiên, trong ngành có vấn đề gì thì trách nhiệm cuối cùng là người đứng đầu, nhưng trách nhiệm đó tùy theo tính chất công việc, theo phân công ủy quyền của Bộ", ông Thắng thông tin. |
Tác giả: Hương Giang
Nguồn tin: Báo Thanh tra