Sáng 28/10, phát biểu giải trình về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, các chính sách an sinh xã hội thực hiện thời gian qua đã được thể hiện rất cụ thể trong Báo cáo mà Thủ tướng Chính phủ đã trình bày.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cùng với những thành tựu về kinh tế, thời gian vừa qua với sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, các lĩnh vực an sinh xã hội của chúng ta đã được được triển khai kịp thời, thiết thực và hiệu quả.
Các chính sách ưu đãi đối với người có công, bảo trợ xã hội, người yếu thế, người nghèo đều được quan tâm thông qua việc Nhà nước ban hành các chính sách, các thể chế về vấn đề này và có nhiều chính sách hỗ trợ vượt trội.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. |
“Chúng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm chăm sóc, hỗ trợ người dân, người cao tuổi, phụ nữ sinh con và trẻ em bị tác động bởi đại dịch Covid- 19, nhất là trẻ em mồ côi. Nhiều chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quyết định”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, những chính sách này đã góp phần rất quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế tạo nên kết quả ngày hôm nay.
Về công tác giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đã có chuyển biến tích cực hơn về cả quy mô lẫn chất lượng. Người học nghề tăng lên, nhận thức xã hội của gia đình, của người học có chuyển biến, đào tạo chất lượng cao được chú trọng hơn.
Điều đáng mừng là kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được tăng cường, tỉ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ đào tạo được tăng lên, lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh và chúng ta đã đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nhất là các lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí.
Cần xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững phát triển (Ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, công tác đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức như lưới an sinh bao phủ còn thấp, nhất là những vấn đề khó khăn như: nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa xã hội dành cho người lao động còn hạn chế, lao động có chứng chỉ bằng cấp còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, thị trường vẫn thiếu lao động.
Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu cục bộ nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp, lao động phi chính thức còn chiếm tỉ lệ cao, kết quả giảm nghèo năm 2022 tuy đạt được chỉ tiêu nhưng ở mức thấp nhất trong những năm qua.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ sớm ban hành chỉ khi về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn kết cung cầu lao động, góp phần chuyển dịch nâng cao năng suất lao động….
Tác giả: Hoàng Thị Bích
Nguồn tin: nguoiduatin.vn