Đề xuất nghiên cứu tăng lương cho cán bộ ngành y
Tại diễn đàn người lao động năm 2023 ngày 28/7, đại diện cho cán bộ, nhân viên y tế bày tỏ một số tâm tư nguyện vọng ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05 bổ sung phụ cấp ưu đãi nghề cho viên chức y tế dự phòng, y tế ở cơ sở có mức phụ cấp ưu đãi nghề từ mức 40%– 70% lên mức 100% trong 2 năm 2022, 2023.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình lại không được hưởng phụ cấp ưu đãi này, mặc dù họ cũng là biên chế của ngành y tế.
Đây là thiệt thòi của đội ngũ cán bộ dân số làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; bởi: Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, tất cả nhân viên ngành y, trong đó có cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã không quản hiểm nguy tham gia lấy mẫu bệnh phẩm, tăng cường hỗ trợ tại các ổ dịch xảy ra, tham gia tại cơ sở điều trị Covid-19. Quy định này được ban hành nhưng đến nay có nơi chưa có nguồn lực để thực hiện, cán bộ trong ngành mong mỏi, đợi chờ.
Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa nêu ý kiến tại diễn đàn. |
Vấn đề thứ hai được ông Trung nêu là tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên phức tạp, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng. Tuy nhiên, trang thiết bị y tế hỏng hóc việc khó khăn nhất là thay thế, sửa chữa, mua mới đối với các bệnh viện khó khăn, do các quy định chồng chéo.
“Tôi được biết, có những bệnh viện 4-5 năm không thể mua được máy mới như máy cộng hưởng từ, máy xạ trị, chụp cắt lớp vi tính… làm cho áp lực đối với cán bộ y tế ngày càng nặng nề, nhất là nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng”, ông Trung nêu vấn đề và bày tỏ mong muốn sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện.
Nhân đây, ông cũng đề xuất Quốc hội tiếp tục nghiên cứu tăng lương cho công chức, viên chức ngành đặc thù, đó là ngành y tế.
Xem xét trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương
Tham gia làm rõ một số vấn đề về chế độ, tiền lương, phụ cấp cán bộ ngành y, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y thực hiện theo chế độ tiền lương, thang bảng lương tại Nghị định 204.
Đây cũng là hệ thống thang bảng lương chung của cán bộ công chức, viên chức Nhà nước trong đó có rất nhiều chế độ phụ cấp. Riêng với cán bộ ngành y, chế độ phụ cấp đã có như: Phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp đặc thù, phụ cấp độc hại – nguy hiểm…
Với chế độ phụ cấu ưu đãi theo nghề dành cho cán bộ, công chức, viên chức làm nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn mức bình thường, phải ưu tiên đặc biệt do pháp luật quy định, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Liên quan đến Nghị định số 05 về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, đối với ngành y có 6 mức phụ cấp từ mức 20%- 70% tuỳ thuộc vào công việc cán bộ, công chức, viên chức đó đang làm.
Mức 70% cao nhất áp dụng với đối tượng là người thường xuyên thực hiện làm những công việc nặng nhọc như: Chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần…
Mức 30% dành cho đối tượng là cán bộ dân số và mức 20% dành cho cán bộ quản lý và không trực tiếp làm công tác chuyên môn khác.
Trong thời gian vừa qua, khi thực hiện chế độ cải cách tiền lương tại Nghị quyết 27 cũng có quy định không điều chỉnh chế độ phụ cấp theo lương mà phải giải quyết tổng thể các vấn đề cải cách tiền lương.
Nhưng dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác bùng phát, những đối tượng cần ưu tiên trong lĩnh vực y tếthì Bộ Chính trị đã có Kết luận số 25, ưu tiên cho đối tượng đang hưởng mức phụ cấp từ 40% - 70% sẽ được nâng lên phụ cấp 100%, thời gian hưởng là 2 năm. Đối tượng còn lại sẽ hưởng chế độ theo Nghị định 56.
Bộ Y tế cũng đã nhận được phản ánh trực tiếp từ cán bộ dân số và qua các phương tiện thông tin, đại chúng: “Tại sao cán bộ dân số không được tăng lên mức phụ cấp 100%?.
Người đứng đầu ngành y tế cho biết việc triển khai, thực hiện Kết luận số 25 của Bộ Chính trị là chỉ ưu tiên cho những nghề được Bộ Chính trị cho phép. Do đó, để tránh tình trạng đối tượng này bỏ việc, nghỉ việc, Bộ Chính trị đã quyết định cho hưởng 2 năm để giữ chân đối tượng này.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan trao đổi với người lao động tại diễn đàn. |
“Để giải quyết những vấn đề, đề xuất của những người làm công tác dân số, chúng tôi đã báo cáo các cơ quan chức năng. Nghị quyết số 99 của Quốc hội vừa ban hành tháng 6/2023 đã có đề nghị sẽ giao bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách liên quan đến tiền lương, chế độ phụ cấp, chế độ đãi ngộ thoả đáng đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế nói chung, trong đó có cán bộ, nhân viên y tế dự phòng. Việc này sẽ được xem xét trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương”, bà Lan nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng bày tỏ thông qua diễn đàn, những vấn đề tiền lương đối với đội ngũ nhân viên y tế sẽ được các bộ ngành, Quốc hội quan tâm để có các điều chỉnh phù hợp. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng tại Nghị quyết 20 của Trung ương liên quan đến nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Về vấn đề thời gian học của cán bộ, nhân viên y tế dài hơn so với những ngành khác, Bộ Y tế đã có đề xuất khi vào nghề, họ sẽ được hưởng bậc lương là bậc 2. Tuy nhiên, vẫn phải chờ cải cách tiền lương.
Cuối cùng, về vấn đề đảm bảo trang thiết bị y tế trong công tác khám, chữa bệnh, bà Lan cho biết thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp giải quyết vấn đề này.
Đến thời điểm này, đã có nhiều bộ luật giải quyết như Luật Đấu thầu cơ bản giải quyết vướng mắc về việc đấu thầu, mua sắm liên quan đến lĩnh vực y tế. Các nghị định, Thông tư của Chính phủ đều giải quyết được. Đến thời điểm này, cơ bản các vấn đề vướng mắc trong năm 2022 cơ bản đã được giải quyết.
Tác giả: Hoàng Bích - Hữu Thắng
Nguồn tin: nguoiduatin.vn