Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm - Ảnh: Media Quoc ho |
Sáng 10-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Theo đó, Bộ trưởng Công an sẽ trả lời tập trung vào công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng; Vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay; Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại.
Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.
Việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.
Ngoài Bộ trưởng Tô Lâm, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, bộ trưởng các Bộ Tư pháp, Thông tin và truyền thông, Khoa học và công nghệ, Ngoại giao; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho là lấy từ Bộ GD&ĐT
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết ngày 16-3-2022 Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 12 đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ.
Phiên chất vấn cũng là dịp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết trên. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những vấn đề chất vấn đều là những vấn đề nóng bỏng của thực tiễn, đồng thời có nhiều khó khăn, thách thức.
Dù lực lượng công an nhân dân đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và tình hình chung đã giữ được ninh trật tự nhưng cũng có những diễn biến phức tạp, khó khăn và có những việc mới chưa có tiền lệ nên việc triển khai không thể tồn tại những vấn đề thiếu sót.
Chất vấn đầu tiên, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) hỏi về việc bảo vệ thông tin cá nhân được Hiến pháp và pháp luật quy định rất rõ, nhưng hiện nay việc rao bán, sử dụng dữ liệu cá nhân vi phạm phổ biến. Đơn cử như những thông tin quảng bá sản phẩm hiện nay đều lấy thông tin dữ liệu cá nhân trái phép, vi phạm rất lớn. Giải pháp xử lý của Bộ Công an?
Cùng nội dung, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đặt vấn đề hiện nay các thông tin cá nhân đang được rao bán dễ dàng trên các hội nhóm. Mặc dù, thời gian qua công an địa phương triệt phá nhiều thông tin nhưng còn có nhiều đối tượng chưa được phát hiện xử lý. Những giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn?
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) đặt vấn đề hiện nay các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch đăng tải những thông tin giả mạo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước để tung tin giả, thất thiệt, phát tán các video độc hại, phản cảm gây nhiều tác hại đến việc đảm bảo an ninh, trật tự.
Dù Bộ Công an và bộ, ngành đã phối hợp để xử lý nhưng hiện tượng này vẫn phức tạp. Những giải pháp của Bộ Công an để tăng cường đấu tranh, ngăn chặn? Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Binh Thuận) chất vấn việc một số quốc gia không chấp nhận hộ chiếu phổ thông mẫu mới trách nhiệm thuộc về ai, cách khắc phục như thế nào?
Trả lời các câu hỏi của đại biểu Siu Hương, Nguyễn Thị Thủy, bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân là sự quan tâm của cử tri. Thực trạng của lộ, lọt dữ liệu cá nhân trên thế giới và nước ta đang ở mức rất đáng báo động. Các hành lang pháp ý chưa hoàn thiện và ý thức của người dân bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa cao là nguyên nhân gây ra lộ lọt.
Theo Bộ trưởng, để hạn chế Bộ đã triển khai một số giải pháp như xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân. "Chúng tôi đang tiến hành nhưng còn gặp nhiều khó khăn như đã trình Chính phủ ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đã qua 10 lần trình rồi và hiện nay đang vào giai đoạn "chót", sẽ sớm ban hành để có căn cứ pháp lý"- ông Tô Lâm nói.
Theo lộ trình, dự kiến năm 2024 nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là tham gia môi trường mạng.
Đồng thời, tích cực điều tra xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ, lọt, rao bán dữ liệu cá nhân. Điển hình Bộ đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho lấy từ nguồn gốc của Bộ GD-ĐT.
Ngoài ra, một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như y tế cũng có nguy cơ bị lộ lọt nên sẽ tập trung điều tra, xử lý. Ông nói thêm, về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có dữ liệu rất lớn và là tài nguyên quốc gia nên phải đảm bảo. Bộ đã thực hiện đúng các điều kiện về an ninh, an toàn theo cấp độ 4.
Hiện nay rất an toàn. Ngoài ra, hàng ngày lực lượng chức năng phải đối phó với hàng ngàn cuộc tấn công vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhiều tấn công từ nước ngoài nên phải có hệ thống đảm bảo…
Tác giả: THÀNH CHUNG - TIẾN LONG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ