Đó là ý kiến của nhiều trường đại học về công tác tuyển sinh năm 2020 khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi quá đột ngột, khiến các trường đại học không kịp xoay sở.
Thí sinh vào đại học năm 2020 gặp lúng túng khi Bộ GD&ĐT thay đổi phương án thi đột ngột |
Tránh xáo trộn, các đại học sẽ lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển
PGS.TS Nguyễn Thị Hoà, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, trong tình hình dịch Covid -19, cả đất nước gặp khó khăn, việc Chính phủ quyết định giao các địa phương tổ chức Kỳ thi THPT dưới sự Thanh tra, giám sát của Bộ nhằm giảm tải áp lực học tập cho học sinh, giảm gánh nặng kinh tế cho các địa phương và đảm bảo các quy định của Luật GD 2020 là phù hợp.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH,CĐ trong xét tuyển đầu vào, PGS.TS Nguyễn Thị Hoà mong Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT 2020, kết quả học bạ của học sinh 3 năm học THPT và thứ tự nguyện vọng vào ĐH của thí sinh để các trường cùng xét tuyển.
“Việc duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu trên sẽ tạo ra sự ổn định, công bằng trong xét tuyển, tránh lượng thí sinh trúng tuyển ảo và phát huy tối đa nguyện vọng, sở trường của thí sinh. Rất mong Bộ tiếp tục tạo điều kiện để hệ thống hoạt động ổn định, tạo thuận lợi cho thí sinh” - PGS.TS Nguyễn Thị Hoà đề nghị.
PGS.TS Bùi ĐứcTriệu, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay, hiện nay theo quan sát của tôi hầu hết các trường ĐH đều sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển. Ngay cả ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội có kỳ thi riêng vẫn sử dụng kết quả này để xét song song.
Như vậy, có thể nói hệ thống các trường ĐH trên toàn quốc vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này tương đương với kỳ thi THPT quốc gia các năm trước.
Do đó, ông Triệu cho rằng, phần mềm xét tuyển, đăng ký xét tuyển của Bộ đã hoàn thiện và hoạt động rất hiệu quả mấy năm qua rất cần được vận hành như các năm trước để hỗ trợ công tác tuyển sinh của các trường.
Hơn thế là hỗ trợ thí sinh, thực hiện trách nhiệm xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 này, để giảm bớt thiệt thòi cho thí sinh và mang lại lợi ích to lớn cho toàn xã hội.
Cơ sở dữ liệu điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT là căn cứ quan trọng và khách quan nhất để các trường đại học thực hiện xét tuyển |
Phải tạo thuận lợi, giữ ổn định cho thí sinh, gia đình và xã hội
Đồng quan điểm trên, ông Đặng Văn Tùng, Trưởng phòng đào tạo, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đề nghị: Bộ GD&ĐT cho phép tiếp tục lồng ghép việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT với hồ sơ ĐKXT đại học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.
Đồng thời, chỉ đạo các Sở GD&ĐT tiếp tục tổ chức triển khai hướng dẫn thí sinh khai hồ sơ, tổ chức tiếp nhận hồ sơ và xử lý dữ liệu vào hệ thống phần mềm quản lý chung như năm 2019 của Bộ GD&ĐT để tránh gây xáo trộn, lãng phí trong công tác tuyển sinh; tạo thuận lợi, giữ ổn định cho thí sinh, gia đình và xã hội cũng như hỗ trợ các trường đại học có thể thực hiện xét tuyển theo đúng chỉ tiêu đã công bố.
Đặc biệt, với vai trò quản lý chuyên ngành của Bộ GD&ĐT, đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục giữ vai trò chủ trì điều hành đối với công tác lọc ảo, xét tuyển đại học thống nhất toàn quốc như năm 2019.
Ông Tùng đánh giá, phần mềm quản lý tuyển sinh hiện đã được hoàn thiện, đang được ứng dụng rất hiệu quả trong công quản lý của Bộ GD&ĐT cũng như tạo môi trường ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi cho các bên cùng tham gia khai thác, sử dụng hiệu quả trên hệ thống (từ thí sinh, trường THPT, Sở GD, trường đại học đến quản lý Bộ GD&ĐT), điều này đã được xã hội đánh giá rất cao.
TS. Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng trường ĐH Thủy Lợi cho biết, theo quan điểm của tôi, để kỳ thi THPT đạt hiệu quả cao trên cả 5 phương diện: Tinh gọn, giảm tải và áp lực cho học sinh; Tạo điều kiện và cơ hội đồng đều cho học sinh; Tiết kiệm, không gây bất ngờ; Tiết kiệm, tận dụng được hạ tầng CNTT đã đầu tư 5 năm qua; Hỗ trợ cho các Trường đại học tuyển đúng, đủ và công bằng cho cả người học và thí sinh.
Tuy nhiên, nhằm giảm tải áp lực học tập cho học sinh vì phương án thi thay đổi bất ngờ nên TS Thạc đề xuất 2 vấn đề:
Thứ nhất, Bộ chỉ đạo tổ chức việc đăng ký thi, đăng ký xét tuyển trên hệ thống thi như những năm 2019 trở về trước để tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội, công bằng trong tuyển sinh và ổn định tâm lý.
Thứ hai, Để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH,CĐ trong xét tuyển đầu vào, rất mong Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT 2020, kết quả học bạ của học sinh 3 năm học THPT, hệ thống lọc ảo ...
“Việc duy hệ thống phần mềm thi và xét tuyển dựa trên cơ sở dữ liệu thống nhất nêu trên sẽ tạo ra sự ổn định trong toàn hệ thống và phát huy tối đa nguyện vọng, sở trường của thí sinh, tiết kiệm cho toàn xã hội” – TS Thạc nhấn mạnh.
Công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, để bảo đảm kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, chất lượng, bên cạnh các giải pháp hành chính, về mặt kỹ thuật, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các môn thi trắc nghiệm nhằm giảm thiểu tác động của con người trong quá trình thi cử. Các môn thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình giám sát chặt chẽ (bản chất là chấm tập trung trong toàn quốc). Các địa phương tổ chức chấm các bài thi tự luận như những năm trước. Việc tổ chức kỳ thi cũng nhằm tạo sự minh bạch, công bằng giữa người học trên toàn quốc, là cơ hội để học sinh rèn luyện bản lĩnh thi cử, tạo động lực thi đua cho cả người học, người dạy;… "Sau khi có kết quả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành phân tích, đánh giá, công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh. |
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí