Tham dự hội nghị có đại diện nhiều tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, các bộ ngành, tỉnh thành…
Phát biểu phát động Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho hay trên phạm vi toàn cầu, có khoảng 2,1 tỷ người đang không được tiếp cận các dịch vụ về nước bảo đảm an toàn. Gần 80% người dân không được sử dụng nước sạch hiện đang sinh sống tại vùng nông thôn, chưa kể mỗi ngày có 700 các cháu nhỏ ở độ tuổi dưới 5 năm bị chết do dịch tả liên quan đến nước không àn toàn và vệ sinh bẩn. Việc thiếu nước sạch có tác động bất lợi đến các nhóm cộng đồng nghèo, nhạy cảm, dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tị nạn, người thiểu số, người khuyết tật…
“Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi còn nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn. Vì vậy, hưởng ứng chủ đề Ngày nước thế giới năm nay, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương, các cộng đồng và toàn thể người dân hãy cùng nhau nỗ lực vì những người yếu thế nhất trong xã hội; cùng nhau xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật về tài nguyên nước để thực sự “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiếp cận và sử dụng nước hợp vệ sinh, an toàn” – Bộ trưởng Hà nói.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và có những giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ hiệu quả, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước, gắn liền với công tác bảo vệ môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe, đời sống của nhân dân. Có nhiều cố gắng trong việc giải quyết nhu cầu nước hợp vệ sinh, an toàn cho người dân đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà bàn giao tài liệu bản đồ nước sạch cho đại diện các tỉnh thành, bộ ngành |
Thời gian tới, ngành tài nguyên, môi trương sẽ tiếp tục tích cực triển khai 6 nhiệm vụ nhằm đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước. Cụ thể:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt pháp luật về tài nguyên nước, thông tin đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn, quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.
Điều hoà, phân bổ nguồn nước cho các mục đích sử dụng nước bằng công cụ quan trắc, giám sát tự động trên cơ sở các quy hoạch và hạn ngạch cấp phép khai thác sử dụng nguồn nước. Trong đó, tập trung rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông đã ban hành cho phù hợp với thực tế đi đôi với kiểm tra, giám sát việc vận hành của các hồ chứa nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ Quy trình.
Tập trung xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời có chính sách phù hợp để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả theo các Nghị định của Chính phủ.
Tăng cường khả năng trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình trong quản lý nguồn nước dựa vào xu thế tự nhiên trên cơ sở dự báo dài hạn về khí hậu, thuỷ văn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước nhằm cung cấp thông tin, số liệu chính xác, kịp thời để xử lý những vấn đề về ô nhiễm, cạn kiệt dòng sông.
Tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế điều phối, giám sát liên ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước thông qua các tổ chức quản lý lưu vực sông với sự tham gia giám sát của cộng đồng. Trực tiếp là các hộ sử dụng nước để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề chung trên phạm vi toàn lưu vực.
Chủ động đề xuất các giải pháp trong phối hợp quốc tế giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, qua đó có những giải pháp phù hợp để đàm phán, ứng phó. Xây dựng kế hoạch để triển khai có hiệu quả Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy mà Việt Nam mới gia nhập. Đồng thời nghiên cứu các quy định để tham gia Công ước về bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế.
Bên thềm Lễ mít tinh, Bộ TN&MT đã giới thiệu, công bố hàng loạt các sản phẩm, dự án đã và đang thực hiện nhằm bảo vệ cũng như tìm kiếm nguồn tài nguyên nước cho quốc gia như: Bàn giao Bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1: 200.000 quốc gia cho các tỉnh thành (đợt 1 bàn giao cho 31 tỉnh thành); Dự án bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn – Giai đoạn I (gồm 9 đô thị, bàn giao đợt 1 cho 3 tỉnh Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương); Báo cáo kết quả điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; công tác quản lý nước dưới đất ở các đới ven biển (đợt 1 bàn giao 103 vùng cho 10 tỉnh thành miến núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ). Cùng với đó, Bộ TN&MT cũng tổ chức phiên toạ đàm “Giải pháp nước thông minh- không bỏ lại ai phía sau” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học các cơ quan, tổ chức trong nước và thế giới. Cuộc toạ đàm này diễn ra trong hai ngày 22 và 23-3, nhằm trao đổi, chia sẻ những quan điểm, bài học kinh nghiệm, sáng kiến vì thành tựu chung trong phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. |
Tác giả: TRỌNG PHÚ
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM