38 triệu thuê bao di động cần đăng ký lại thông tin
Chiều nay (10/4), tại trụ sở Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã diễn ra buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ cùng các đơn vị có liên quan về việc triển khai Nghị định 49/2017/NĐ-CP nhằm thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước. Tại đây, nhiều doanh nghiệp đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị định 49 thời gian qua.
Theo báo cáo của VNPT VinaPhone, nhà mạng này hiện có tổng cộng 31 triệu thuê bao, trong số đó chỉ có 9,3 triệu thuê bao đầy đủ thông tin theo Nghị định 49. Tính tới thời điểm hiện tại, lượng thuê bao đã cập nhật lại thông tin của VinaPhone là 1,17 triệu thuê bao. Do đó, vẫn còn 19 triệu thuê bao cần hoàn thiện và cập nhật từ nay cho đến thời điểm ngày 24/4.
Theo VinaPhone, nhà mạng này đã tiến hành tuyên truyền qua tin nhắn, website, mạng xã hội cũng như các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy vậy, người dân vẫn chưa ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc đảm bảo đúng thông tin thuê bao chính chủ.
Hiện tại, tỷ lệ người dùng VinaPhone tiến hành đăng ký lại thông tin thuê bao vẫn còn hạn chế. Một số khách hàng của nhà mạng này cũng không hợp tác khi chụp ảnh chân dung vì cho rằng đây là quyền riêng tư. VinaPhone cũng xin ý kiến Bộ TT&TT về việc thống nhất kịch bản khóa thuê bao giữa các nhà mạng.
Nghị định 49 sắp được triển khai sẽ thắt chặt việc quản lý đối với các thuê bao di động trả trước. |
Viettel cũng cho biết nhà mạng này đang thực hiện một cách tích cực và nghiêm túc Nghị định 49 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến hết tháng 3/2018, Viettel có 66,5 triệu thuê bao đang hoạt động, trong đó có 63,7 triệu thuê bao trả trước.
Qua quá trình rà soát, có 35 triệu thuê bao Viettel đăng ký trước ngày 24/7/2017. Đối với các thuê bao đăng ký từ sau thời điểm ngày 24/7/2017 đến nay, 12 triệu thuê bao đã đầy đủ thông tin theo yêu cầu của Nghị định 49.
Trong thời gian qua, Viettel cũng đã thực hiện nhiều bước nhằm thông báo để các thuê bao thực hiện đăng ký lại. Tính đến hết tháng 3/2018, đã có 3,8 triệu thuê bao đăng ký lại. Viettel cũng bày tỏ nguyện vọng xin lùi thời điểm triển khai Nghị định 49 để người dân có thể hoàn tất việc đăng ký.
Về phía Vietnamobile, nhà mạng này cho biết trong tổng số 3 triệu thuê bao, có khoảng 40% đã đầy đủ thông tin theo như quy định. Với MobiFone, sau quá trình nhắc nhở người sử dụng, nhà mạng này chỉ còn khoảng 4 triệu thuê bao chưa đăng ký đủ thông tin theo như yêu cầu của Nghị định 49.
Sử dụng ảnh CMND để xác thực thuê bao di động
Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, tinh thần của Nghị định 49 là xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác của người dùng, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp.
“Chứng minh thư đang lưu hành hiện có 3 bản. Với bản giấy, thời hạn lưu hành là 15 năm. Trong 15 năm đó khuôn mặt người dùng có sự thay đổi, do đó thuê bao mới phải chụp ảnh để xác định nhân dạng ”, đại diện Cục Viễn thông chia sẻ.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng việc quản lý thông tin thuê bao là vấn đề vô cùng cần thiết nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, cần triển khai Nghị định 49 sao cho linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thuận lợi cho khách hàng. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, tội phạm công nghệ cao ngày càng phát triển với những hình thức đa dạng, tinh vi. Trong nhiều lĩnh vực, công tác quản lý chưa theo kịp sự phát triển của CNTT và viễn thông. Do đó, cần nêu cao trách nhiệm của các nhà mạng, đặc biệt là với việc quản lý thuê bao trả trước, tránh tình trạng bán được càng nhiều SIM càng tốt mà không cần biết đến thông tin khách hàng.
“Cái khó của chúng ta là chưa có cơ sở dữ liệu công dân nên phải dùng các biện pháp khác để đảm bảo công tác quản lý. Tuy nhiên, các nhà mạng phải có hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng dịch vụ viễn thông có thể dễ dàng cập nhật thông tin thuê bao”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đưa ra gợi ý rằng khi đã có ảnh CMND chính chủ, có thể vận dụng lấy ảnh CMND làm ảnh chụp. “Các thuê bao đã xác định chính chủ chỉ cần cập nhật các thông tin còn thiếu. Cần tìm cách triển khai sao cho linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo thuận lợi cho khách hàng”.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết các doanh nghiệp cần có biện pháp khuyến khích phát triển thuê bao trả sau nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý.
Tác giả: Trọng Đạt
Nguồn tin: Báo VietNamNet