Sự lạ ở Thanh Hóa
Chuyện thứ nhất là của ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật ông Tuấn với hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng.
Tiếp đó, Thủ tướng đã ký quyết định cách chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với ông Tuấn. Theo con mắt thường dân, nếu ông Tuấn còn thiết tha với công vụ, ông vẫn có khả năng là chuyên viên làm việc ở một sở nào đấy của tỉnh.
Vụ việc của ông Lê Phước Hoài Bảo ở Quảng Nam sau khi bị kỷ luật ở lại làm chuyên viên Sở KH&ĐT vẫn nguyên giá trị cho cá nhân ông Tuấn cũng như ban lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhìn vào.
Nhưng không, ông Tuấn được phân công (từ phân công quả là hay thay cho từ bổ nhiệm) là Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nhà ở của tỉnh. Và theo ông Mai Sỹ Diễn, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Ban chỉ đạo này do nhu cầu nên được tỉnh lập ra, khi nào hoàn thành nhiệm vụ thì giải tán và do đó không nằm trong hệ thống chính trị.
Ông Lư Thành Đồng - nguyên Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ (trái) và ông Ngô Văn Tuấn - nguyên Phó chủ tịch UBND Thanh Hóa |
Một tổ chức do UBND tỉnh lập ra, do Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban mà lại không nằm trong hệ thống chính trị của tỉnh?
Và cũng theo ông Diễn, việc phân công ông Tuấn là Tổ trưởng là đúng luật và đúng thẩm quyền. Thật là kiểu gì cũng giải thích được. Về nguyên tắc, cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật cả về mặt Đảng lẫn nhà nước như trường hợp ông Tuấn không thể trong thời gian ngắn lại được bố trí vào cương vị lãnh đạo, cho dù tỉnh lập luận Tổ trưởng không phải chức danh quản lý, lãnh đạo.
Mặt khác, cũng phải xem lại việc thành lập Ban chỉ đạo kiểu này của tỉnh. Đã từ lâu, việc thành lập các ban chỉ đạo kể cả ở TƯ lẫn địa phương được Chính phủ chỉ đạo sít sao, hạn chế, không phải cứ muốn lập là lập. Các tỉnh khác chưa có, nhưng riêng Thanh Hóa có Ban chỉ đạo này cũng là sự lạ và ngẫu nhiên có Tổ giúp việc cho ông Tuấn bị kỷ luật ghé ngồi.
Cần Thơ: Bị kỷ luật lại được bổ nhiệm ngang chức cũ
Chuyện thứ hai là của ông Lư Thành Đồng, nguyên Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ bị kỷ luật do để xảy ra hành vi tham nhũng tại cơ quan lại mới được bổ nhiệm Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp của TP.
Bị kỷ luật cả về mặt Đảng và chính quyền lại được bổ nhiệm vào một chức vụ chí ít là ngang chức vụ cũ. Khó có tính thuyết phục.
Hơn nữa, thời điểm bổ nhiệm lại diễn ra ngay sau khi có Nghị quyết số 26 của TƯ về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ thì đây quả là một sự thách thức, coi thường dư luận, coi thường Nghị quyết của Đảng.
Cứ nghĩ mãi không biết Ban lãnh đạo TP Cần Thơ lấy đâu ra dũng khí để quyết định bổ nhiệm ông Đồng.
Phải có cơ chế hủy quyết định không chuẩn
Kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Trích phát biểu bế mạc hội nghị TƯ 7 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 12/5/2018 |
Hai câu chuyện nêu trên cho thấy chuyển được công tác cán bộ như Nghị quyết TƯ nêu là không đơn giản và có rất nhiều yếu tố chi phối công tác cán bộ, mà trước hết là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Rất nhiều trường hợp người đứng đầu muốn sao thì ra vậy, bất chấp dư luận xã hội, bất chấp tính tập thể trong bàn và quyết công tác cán bộ.
Mặt khác, nếu đâu đó không chuẩn, có lệch lạc trong công tác cán bộ như hai trường hợp kể trên thì ít ra cũng phải có cơ chế nào đó ở TƯ ngăn lại được, thậm chí hủy đi những quyết không chuẩn, không đúng.
Cơ chế phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn và triệt tiêu những sai lầm, lệch lạc trong công tác cán bộ có lẽ cần sớm được nghiên cứu và đưa vào áp dụng kết hợp với phát huy dân chủ, sự tham gia của người dân vào công tác cán bộ như Nghị quyết TƯ nêu sẽ là những công cụ quan trọng và cần thiết để khắc phục những câu chuyện kiểu của Thanh Hóa và Cần Thơ trong tương lai.
Tác giả: Đinh Duy Hòa
Nguồn tin: Báo VietNamNet