Mới đây, thực hiện hướng dẫn của bộ KH&ĐT tại văn bản số 3472/BKHĐT-TH ngày 13/11/2019 về phân bố kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020, bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan phương án dự kiến phân bố kế hoạch đầu 1 trung hạn và kế hoạch năm 2020 vốn ngân sách trung ương cho các dự án huộc danh mục dự án sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và khoản 10.000 tỷ đồng từ điều chỉnh giảm nguồn vốn bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia.
Theo đó, đối với việc phân bổ kế hoạch năm 2020, bộ GTVT được thông báo tổng số kế hoạch năm 2020 cho các dự án sử dụng dự phòng chung và khoản 10.000 tỷ đồng là 8.274,24 tỷ đồng.
Trong đó, các dự án đã được bộ KH & ĐT yêu cầu bố trí đúng mức vốn được thông báo là 2.806,25 tỷ đồng (1.351 tỷ đồng hỗ trợ chi phí GPMB , tái định cư dự án đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; 932 tỷ đồng cho dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và 523,25 tỷ đồng Dự án QL15A đoạn Hòa Bình và Thanh Hóa).
Như vậy, bộ GTVT cần xây dựng phương án phân bổ 5.467, 99 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 cho các dự án còn lại.
Bộ GTVT kiến nghị bổ sung vốn để trả nợ các dự án BT vì 10.000 tỷ đồng là không thể đủ. Ảnh minh họa |
Theo rà soát, tính toán của bộ GTVT, nhu cầu của các dự án còn lại trong danh mục nêu trên như sau: 4 dự án BT (Nút giao ngã ba Huế, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, QL20 đoạn Km00 - Km123 và QL20 đoạn Km123 - Km268), với nhu cầu trả nợ đến hạn tới hết năm 2020 là 5.947,218 tỷ đồng (lớn hơn số kế hoạch được phân bố). Trong đó, riêng 2 dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan và QL20, đoạn Km00 - Km123 là các dự án có vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, cần được bố trí tối thiểu 3.086,748 tỷ đồng để trả các khoản vay nước ngoài tới hạn trong năm 2020.
Ngoài ra, còn có 1 dự án trả nợ đọng XDCB với nhu cầu 82,898 tỷ đồng. Thêm vào đó là 4 dự án dở dang với nhu cầu 2.260 tỷ đồng (QL63 đoạn Km74 - 200 Km112 + 782, tỉnh Cà Mau; QL37 đoạn Km23 + 200 - Km47 + 888, tỉnh Hải Dương, QL8A đoạn Km37 - Km85 + 300, tỉnh Hà Tĩnh; QL15A đoạn Km301 + 500 Km330 + 200, Nghệ An) và 4 dự án mới với nhu cầu 120,6 tỷ đồng mở rộng QL1 đoạn Ngã Bảy - Châu Thành, Kênh Chợ Gạo, giai đoạn 2, QL27 đoạn 12Km qua Ninh Thuận, đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, Quảng Trị.
Như vậy, với số vốn được thông báo còn lại là 5.467.99 tỷ đồng sẽ không đủ để thanh toán. Vì vậy, bộ GTVT kiến nghị Thủ Tướng Chính phủ, bộ KH&ĐT xem xét bổ sung đủ nguồn vốn kế hoạch năm 2020 để trả toàn bộ số nợ đến hạn của các dự án BT tới cuối năm 2020.
Mới đây, bộ Giao thông Vận tải cho biết đã nhận được nhiều văn bản của các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng báo cáo khó khăn trong quá trình thực hiện dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và đề nghị bộ Giao thông Vận tải báo cáo cấp có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận điều chỉnh lại cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho nhà đầu tư.
Theo diễn biến khác, trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay có nhiều dự án BOT giao thông đã hoàn thành và đi vào khai thác, nhưng doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu. Do đó, hiện có khoảng 53.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tục cảnh báo các ngân hàng thương mại liên quan đến cho vay các dự án BOT, BT giao thông. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, trong 9 tháng của năm 2019, tăng trưởng tín dụng đạt 9,4% so với cuối năm ngoái, nhưng cho vay các dự án BOT, BT giao thông chỉ tăng 1,85%.
Mặt khác, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ nợ xấu dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông bắt đầu tăng nhanh (thời điểm ngày 30/6/2019 chiếm tỷ lệ 2,11%), trong khi từ năm 2015 - 2018, tỷ lệ này chỉ dưới 0,1%, chủ yếu là do doanh thu thu phí không đạt như dự kiến.
Tác giả: Vũ Đậu (T/h)
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật