Tại cuộc họp báo quý 3/2017 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ đã nhận được văn bản xin ý kiến của Hà Nội và đang nghiên cứu đánh giá để có những góp ý phù hợp.
Đánh giá bước đầu về quy hoạch này, Thứ trưởng Đông cho rằng đây không chỉ là quy hoạch riêng cho ga Hà Nội, quy hoạch này là đúng với quy hoạch chung của Hà Nội trong xây dựng Thủ đô, quy hoạch chi tiết phân khu chức năng, trong đó có ga Hà Nội mà Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang quản lý.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết sẽ gửi ý kiến góp ý về quy hoạch khu vực ga Hà Nội trong vài ngày tới |
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề cập đến mật độ người dân sống trong khu vực và tầng cao của công trình đề xuất trong quy hoạch đang được Bộ GTVT nghiên cứu. Theo đó, lãnh đạo Bộ này cho rằng, phải xem xét kỹ mật độ người dân/km, diện tích đường/1.000 dân, giao thông kết nối sang khu vực lân cận, đối nội và đối ngoại…
Hà Nội và TPHCM đang quá tải về hạ tầng giao thông. Đất dành cho giao thông chỉ khoảng 7-8% trong khi tỷ lệ này tại các nước từ 16-26%, với đô thị lớn, tỷ lệ còn trên 22%. So với các nước trên thế giới, quỹ đất dành cho giao thông ở Hà Nội và TPHCM chỉ được 1/3, vì vậy áp lực người và mật độ đè nặng lên hạ tầng giao thông.
Ga Hà Nội là ga trung tâm có liên vận quốc tế, chạy xuyên Thủ đô, vì vậy phải xem xét mật độ hành khách và lưu lượng giao thông quốc gia. Theo quy hoạch mới nhất của giao thông Hà Nội mà Chính phủ mới phê duyệt thì đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng đi vào tận ga Hà Nội. Do đó phải tính mật độ này trong mật độ chung giao thông.
“Việc quy hoạch, xây dựng công trình cao tầng ở ga Hà Nội phải dựa trên tổng thể cảnh quan đô thị của khu vực, mật độ giao thông và dự báo về năng lực thông qua đối với tàu cao tốc trong tương lai” - Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Về việc xây dựng nhà cao tầng trong lõi ga Hà Nội hiện tại, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, khi xem xét trong văn bản gửi xin ý kiến quy hoạch, không thấy nêu việc này.
“Tôi xem qua đồ án quy hoạch không nói đến việc làm nhà cao tầng trong lõi ga, không có phần đánh giá tác động của nhà cao tầng đến lõi ga. Nhưng theo quyết định của Chính phủ khi làm đường sắt đô thị số 1, yêu cầu đề ra là phải khai thác xã hội hoá ga Hà Nội nhằm tăng nguồn thu và làm văn phòng thương mại chứ không phải nhà ở” - ông Đông khẳng định.
Ga Hà Nội trong tương lai sẽ tiếp nhận hợp phần đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam |
Dự kiến, Bộ GTVT sẽ có văn bản góp ý gửi Hà Nội trong vài ngày tới, trong đó Thứ trưởng Đông nhấn mạnh, Bộ sẽ nêu cụ thể những vấn đề liên quan tới giao thông và việc được phép sử dụng bao nhiêu trong lõi ga để xây dựng xã hội hóa công trình 40-70 tầng.
Ga Hà Nội có tên gọi là ga Hàng Cỏ. Công trình do Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902. Đây là đầu mối giao thông vận tải quan trọng của cả nước nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận vừa được UBND TP Hà Nội gửi văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành. Mục tiêu của Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận nhằm cụ thể định hướng đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Đồ án Quy hoạch khu vực ga Hà Nội có tổng diện tích 98,1 ha. Tổng dân số của khu vực này được quy hoạch khoảng 44.000 người, trong đó có tái định cư tại chỗ dân số hiện trạng khoảng 40.300 người. Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 23.800 tỷ đồng, trong đó thành phố sẽ đảm nhận khoảng 700 tỷ đồng. Theo đề xuất, khu vực ga Hà Nội sẽ được xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng gồm khu văn hóa thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40-70 tầng, khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới cao khoảng 40-60 tầng, khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40-60 tầng, khu ga đường sắt cao 40-70 tầng. |
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí