Giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều sai sót trong đầu tư cho khoa học công nghệ

Theo Kiểm toán nhà nước, kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ giai đoạn 2020 – 2022 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy Bộ còn nhiều hạn chế, thiếu sót.

Kiểm toán nhà nước vừa hoàn thành cuộc kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ giai đoạn 2020 – 2022 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả kiểm toán cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ của Bộ còn nhiều hạn chế, thiếu sót.

Phân bổ kinh phí không đúng với số giao của Bộ Tài chính

Kiểm toán nhà nước cho biết, tổng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 708,1 tỷ đồng cơ bản được phân bổ, sử dụng cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ được giao. Trong đó, năm 2020 là 259,3 tỷ đồng, năm 2021 là 251,9 tỷ đồng, năm 2022 là 196,7 tỷ đồng.

Số nhiệm vụ khoa học công nghệ thực hiện là 1.156 nhiệm vụ, trong đó có 272 nhiệm vụ chuyển tiếp và 884 nhiệm vụ mở mới (305 nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, 819 nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, 10 nhiệm vụ triên khai thực nghiệm và 22 nhiệm vụ nghiên cứu khác). Nhiều kết quả nghiên cứu là sản phẩm khoa học đã được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên và giảng viên nghiên cứu, phục vụ cho công tác học tập và đào tạo.

Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, theo Kiểm toán nhà nước, giai đoạn 2020-2022, Bộ đã lập dự toán đối với một số đề tài, nhiệm vụ mở mới khi chưa được thẩm định và phê duyệt dự toán kinh phí của cấp có thẩm quyền, chưa đúng với hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính; lập dự toán nhiệm vụ tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học chưa phù hợp tính chất nguồn kinh phí theo quy định.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân bổ dự toán thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng đã được phê duyệt danh mục của cấp có thẩm quyền nhưng chưa tổ chức thấm định dự toán kinh phí, thẩm định nội dung; giao dự toán kinh phí cho dự án tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ chưa phù hợp tính chất nguồn kinh phí theo quy định; phân bổ kinh phí thực hiện các đề tài không căn cứ vào tình hình thực hiện và khả năng giải ngân; phân bổ kinh phí thực hiện một số chương trình không đúng với số giao của Bộ Tài chính nhưng chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính...;

Cùng với đó, các nhiệm vụ được ưu tiên giao dự toán nhưng thực hiện không đúng tiến độ, phải gia hạn thực hiện dẫn đến số dư chuyển nguồn các năm lớn trong giai đoạn 2020-2022, chưa phát huy hết hiệu quả nguồn vốn được bố trí; đề tài không thực hiện nhưng chưa kịp thời hủy dự toán...;

Công tác thẩm định, phê duyệt nội dung thực hiện còn chưa phù hợp; biên bản họp thẩm định kinh phí không chi tiết nội dung các khoản chi, các thành viên không đánh giá sự phù hợp về dự toán kinh phí; các nhiệm vụ còn thực hiện không đúng tiến độ kế hoạch, phải gia hạn nhiều lần, dẫn đến nguồn vốn ngân sách nhà nước đã bố trí phải gia hạn kéo dài, chưa phát huy hết hiệu quả nguồn vốn được bố trí.

Công tác thẩm định, phê duyệt thuyết minh còn chậm, không phù hợp với thời gian thực hiện tại quyết định phê duyệt; thuyết minh của các nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ để minh chứng cho nguồn đối ứng thực hiện theo cam kết đã được phê duyệt tại thuyết minh; phê duyệt nhiều nội dung giông nhau giữa các dự án nâng cấp tạp chí đạt chuẩn quốc tế mà không có tính kế thừa, lan tỏa, thuyết minh các nội dung mua sắm trong dự án không kèm báo giá;...

Một số đề xuất đề tài cấp Bộ chưa đủ bằng chứng để xác định cá nhân đề xuất có được ưu tiên làm chủ nhiệm đề tài hay không theo quy định; hồ sơ xét chọn đề tài không lưu các biên bản tiếp thu, giải trình các ý kiến của hội đồng thẩm định, tuyển chọn đề tài.

Chưa theo dõi sát sao và có biện pháp xử lý đề tài chậm, muộn

Kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ, việc giao cho đơn vị chủ trì ký hợp đồng thực hiện đề tài là chưa đúng với quy định; ngoài ra thời điểm ký kết hợp đồng còn chưa phù hợp với thời gian bắt đầu thực hiện.

Bộ chưa theo dõi sát sao và có biện pháp xử lý, đôn đốc kịp thời đối với đề tài chậm, muộn nên nhiều đề tài thực hiện chậm tiến độ phải gia hạn thời gian thực hiện; một số đề tài gia hạn vẫn được xếp loại xuất sắc. Việc phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện còn chưa thực hiện đúng theo quy định; giai đoạn 2020-2022 còn có 16 đề tài dừng thực hiện và 10 đề tài nghiệm thu không đạt.

Bộ chưa thực hiện quy trình quản lý, sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn Nhà nước; các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ chưa lập đầy đủ báo cáo về tài sản theo quy định.

Công tác lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thực hiện chưa được tốt ở cả Bộ và các đơn vị chủ trì nên công tác số hóa, lưu trữ hồ sơ và công bố kết quả nghiên cứu chưa được đầy đủ. Không có chuyển giao kết quả sản phẩm của đề tài, nguyên nhân do kinh phí đầu tư thấp không đủ để thực hiện đủ các giai đoạn nghiên cứu triển khai hình thành và phát triển một sản phẩm công nghệ; trình độ năng lực nghiên cứu phát triển công nghệ còn ở mức rất thấp; nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ phần lớn mang tính lý thuyết, hàn lâm, phục vụ nghiên cứu và đào tạo là chính với tư cách là nguồn tài liệu tham khảo...

Phòng thí nghiệm trọng điểm Vật liệu Polyme và Compozit tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Đại học Bách Khoa Hà Nội

Đối với hoạt động của phòng thí nghiệm trọng điểm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội chưa xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của phòng thí nghiệm trọng điểm báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để phối hợp với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Chưa ban hành quy chế tổ chức và hoạt động; hội đồng khoa học của Phòng thí nghiệm trọng điểm chưa được kiện toàn; hoạt động của phòng thí nghiệm trọng điểm chưa bám sát định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện đại trên thế giới; việc giao nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng chưa tương xứng với nhiệm vụ của phòng thí nghiệm trọng điểm cấp nhà nước...

Về những vấn đề này, Kiểm toán nhà nước kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong công tác lập, phân bổ dự toán nguồn kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ.

Đồng thời, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác đôn đốc, quản lý, kiêm tra, rà soát, xử lý các tài sản là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được nghiệm thu. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kiểm tra đánh giá thực trạng hoạt động của Phòng thí nghiệm trọng điểm Vật liệu Polyme và Compozit tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, báo cáo Chính phủ về phương án sắp xếp, tổ chức để quyết định khả năng tiêp tục mở rộng, hỗ trợ đầu tư hoặc cơ cấu lại tổ chức và hoạt động của phòng thí nghiệm trọng điểm.

Cùng với đó, trong việc ban hành văn bản quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ, kết quả kiểm toán cho thấy một số bất cập tại Thông tư số 1l/2016/TT-BGDĐT ngày 11/4/2016 và Thông tư số 56/2012/TT-BGDĐT ngày 25/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, Kiểm toán nhà nước đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với các quy định hiện hành.

Tác giả: QUANG TUYỀN

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok