Giáo dục

Bộ GD&ĐT lập lờ khi trả lời thí sinh khiếu nại đáp án tiếng Anh

Sau khi nhận được đơn kêu cứu của thí sinh thi môn tiếng Anh ở câu 3, mã đề 421, bộ GD&ĐT đã có những văn bản trả lời. Tuy nhiên, câu trả lời không rõ ràng, chưa thuyết phục thí sinh…

Ngày 18/7/2017, thừa lệnh của Bộ trưởng bộ GD&ĐT, cục Quản lý chất lượng đã tiếp nhận và tiến hành xử lý đơn của thí sinh thắc mắc về đề thi môn tiếng Anh ở câu 3, mã đề 421 cho rằng cả hai phương án C và D đều đúng.

Mã đề thi 421, môn tiếng Anh kỳ thi THPT Quốc gia 2017.

Trong văn bản trả lời số 839/QLCL-KTQG có nêu: “Với thắc mắc này, cục Quản lý chất lượng, bộ GD&ĐT đã yêu cầu Tổ ra đề thi bài thi tiếng Anh kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 rà soát cẩn thận, kỹ càng và Tổ ra đề thi bài thi môn tiếng Anh khẳng định câu 3 mã đề 421 là chính xác và phương án trả lời là D, với các lý do sau:

1) Theo sách giáo khoa tiếng Anh 12, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2016, trang 146 – 147 và sách giáo khoa tiếng Anh 12 (sách thí điểm), tập hai, trang 10, câu so sánh kép (Double comparative) có cấu trúc:

The + comparative expression + S + V, the + comparative expression + S + V.

2) Theo các sách Văn phạm tiếng Anh từ cơ bản đến nâng cao của các Nhà xuất bản có uy tín trên thế giới đều khẳng định cấu trúc câu so sánh kép đúng như đã nêu trong sách giáo khoa tiếng Anh 12 và không nêu cấu trúc đảo ngữ.

3) Đây là cấu trúc song song (parallel structures) nên vế trước và vế sau cũng theo cấu trúc như nhau. Do đó chỉ có phương án D theo đúng cấu trúc này.

Như vậy, dựa theo sách giáo khoa tiếng Anh 12 và Văn phạm tiếng Anh thì chỉ có phương án D sử dụng đúng cấu trúc đã nêu và câu 3 chỉ có một phương án đúng duy nhất là D”.

Nhận được văn bản trả lời, thí sinh này cho hay: “Theo các sách Văn phạm tiếng Anh từ cơ bản đến nâng cao của các Nhà xuất bản có tiếng trên thế giới đều khẳng định cấu trúc câu so sánh kép đúng như đã nêu trong sách giáo khoa tiếng Anh 12 và không nêu cấu trúc đảo ngữ. Vậy cháu xin cho cháu được biết: “Các sách Văn phạm tiếng Anh từ cơ bản đến nâng cao của các Nhà xuất bản có tiếng trên thế giới” là cuốn sách nào và của Nhà xuất bản nào khẳng định không dùng cấu trúc đảo ngữ để cháu có thể tìm hiểu? Hơn thế nữa, theo cháu hiểu, sách ngữ pháp chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản, mà trên thực tế ngôn ngữ chúng ta sử dụng lại phong phú và linh hoạt hơn. Như vậy “sách giáo khoa không nêu” không có nghĩa là trong thực tế không có”.

Thí sinh liên tiếp gửi đơn kêu cứu lên bộ GD&ĐT.

“Và cũng theo văn bản của cục Quản lý Chất lượng, cháu chỉ thấy nêu đáp án D là đúng nhưng lại chưa chỉ ra được cái sai của đáp án C. Vì vậy cháu mong Hội đồng thi THPT Quốc gia 2017 sớm trả lời cho cháu bằng văn bản để cháu và các bạn đỡ thiệt thòi”, thí sinh bày tỏ nguyện vọng.

Ngày 21/7/2017, bằng văn bản số 868/QLCL-KTQG, cục Quản lý chất lượng tiếp tục có trả lời đơn khiếu nại (lần thứ 4) của thí sinh trên, văn bản trả lời nêu: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, cục Quản lý chất lượng mời thí sinh đến để Tổ ra đề thi bài thi môn tiếng Anh và cục Quản lý chất lượng trực tiếp trao đổi với em về thắc mắc”.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về việc này, phụ huynh thí sinh trên cho biết: “Không hiểu tại sao bộ GD&ĐT lại mời con tôi, một người chưa bước sang tuổi 18 đến làm việc với Tổ ra đề. Điều này ảnh hưởng không ít đến tâm lý của cháu. Vấn đề cháu và gia đình cần là sự khẳng định bằng văn bản của Bộ đáp án C đúng hay sai. Đây không chỉ là nguyện vọng của cá nhân chúng tôi mà tôi tin rằng đây cũng là nguyện vọng chung của các cháu thí sinh và xã hội trước chân lý khoa học”.

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin!

Tác giả: Công Luân

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok