Nói đến biên chế nhà nước ở ta là nói ai đó vào làm việc suốt đời tại một cơ quan, tổ chức nhà nước. Vào được biên chế là an tâm, kiểu gì cũng tồn tại, không lo bị thải hồi. Chả thế mà dân gian có câu: “Cầm vàng còn sợ vàng rơi/Vào được biên chế, suốt đời ấm no”.
Và không ít người cho dù mất tiền cũng cố kiếm được suất biên chế nhà nước.
Ở Đức, giáo viên, cảnh sát cũng là công chức. Trong khi nhiều nước không quan niệm giáo viên công lập là công chức...
Từ nhiều năm nay, nhiều nước cũng đã nhận thấy chế định biên chế suốt đời dẫn đến nhiều hạn chế. Ví như công chức không có động lực mạnh trong công việc, công chức không bị áp lực lo lắng bị loại ra khỏi bộ máy và đặc biệt hầu như không thể thải hồi khi không đáp ứng yêu cầu.
Hiểu không giống nhau về biên chế suốt đời
Theo pháp lệnh Cán bộ, công chức 1998 thì cán bộ, công chức hưởng quy chế biên chế suốt đời, mà công chức ở đây bao gồm cả người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cô và trò trường Tiểu học Nguyễn Trãi, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tình hình này có sự thay đổi lớn vào năm 2003 khi sửa Pháp lệnh cán bộ, công chức. Nghị định 116 của Chính phủ ngày 10/10/2003 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này lần đầu tiên đưa ra khái niệm viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước.
Điều thay đổi lớn ở đây là hình thức tuyển dụng đối với viên chức sự nghiệp, trong đó có giáo viên công lập là hợp đồng làm việc. Luật Viên chức 2010 tiếp tục xác định chế độ hợp đồng làm việc của viên chức, đặc biệt với quy định nếu 2 năm liên tiếp, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ thì có thể bị chấm dứt hợp đồng, nói cách khác là ra khỏi đơn vị sự nghiệp mình đang làm việc.
Như vậy, cái gọi là biên chế suốt đời, về cơ bản hiện chỉ còn áp dụng cho cán bộ, công chức. Viên chức theo quy định đã không còn hưởng chế định này.
Điều đáng tiếc là mặc dù quy định như vậy, nhưng trong thực tế đã không có việc triển khai rộng trong tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập các quy định của luật Viên chức, nhất là việc ký hợp đồng giữa viên chức và đơn vị sự nghiệp công lập. Không biết có bao nhiêu người trong tổng số đội ngũ viên chức sự nghiệp cả nước là khoảng 2,1 triệu, trong đó giáo viên khoảng 1,3 triệu đã ký hợp đồng làm việc. Rất có thể tỷ lệ này là không lớn.
Với cách thức thi hành luật như vậy dẫn đến trong nhận thức của xã hội, của giáo viên công lập là biên chế giáo dục vẫn như từ trước đến nay, vẫn là biên chế suốt đời.
Đây là lỗi của một loạt các bộ ngành TƯ, mà trước hết là của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế là 2 bộ có số lượng viên chức lớn nhất cả nước và Bộ Nội vụ với trách nhiệm cùng phối hợp triển khai và kiểm tra việc triển khai Luật.
Vì vậy khi ngành giáo dục nói sẽ bỏ biên chế giáo viên thì gần như được hiểu đây là một chủ trương hoàn toàn mới, thậm chí có ý kiến nêu có khi phải xin ý kiến cấp này, cấp kia duyệt rồi mới triển khai, đặc biệt là phản ứng từ chính đội ngũ giáo viên công lập trong cả nước.
Bỏ biên chế giáo viên: Không có thay đổi lớn
Về cơ bản, quyền lợi và nghĩa vụ của giáo viên không có gì thay đổi lớn.
Trước hết, giáo viên vẫn là người làm trong khu vực nhà nước, hưởng các chế độ, chính sách nhà nước quy định cho giáo viên. Bỏ biên chế nhà nước không có nghĩa là nhà nước bỏ mặc trường học nhà nước, bỏ mặc giáo viên...
Nhà nước vẫn có trách nhiệm quan tâm, chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên. Nhà nước quy định thang bảng lương giáo viên, chế độ lên lương. Sẽ hoàn toàn là nhầm lẫn khi cho rằng bỏ biên chế giáo viên thì giáo viên công lập sẽ giống như giáo viên các trường tư.
Cái khác lớn nhất khi bỏ biên chế giáo viên chính là cái gọi là biên chế suốt đời không còn nữa, tức là nhà nước, nhà trường có thể cho thôi việc giáo viên nếu giáo viên không đáp ứng yêu cầu của công việc được giao thông qua đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
Như vậy, để tiếp tục làm việc trong nhà trường, giáo viên phải thường xuyên quan tâm tới năng lực, trình độ của mình, phải có những điều chỉnh cần thiết khi có những nhận xét, đánh giá về mình từ phía nhà trường, từ phía học sinh.
Nói ngắn gọn, bỏ biên chế giáo viên buộc giáo viên phải năng động, sáng tạo, trách nhiệm nhiều hơn mới có thể tiếp tục làm việc và suy đến cùng là chất lượng giáo dục sẽ được bảo đảm và ngày càng nâng cao.
Lo ngại hiệu trưởng quá nhiều quyền
Hiệu trưởng là người ký tuyển mới cũng như khi nhà trường đơn phương chấm dứt hợp đồng với giáo viên, cho nên hiệu trưởng có quyền rất lớn.
Sẽ phải thiết kế ra cơ chế bảo đảm sự khách quan, công tâm ở đây, nhưng điều chắc chắn phải thay đổi đó là dựa vào đâu để nói giáo viên A, giáo viên B không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ - tức là thay đổi việc đánh giá kết quả làm việc của giáo viên.
Có thể nói cả hệ thống công vụ Việt Nam đang thực hiện việc đánh giá kết quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức không khoa học, chủ yếu dựa trên cảm tính, không đo lường, lượng hóa được kết quả làm việc của cá nhân trong tổ chức.
Nếu không thay đổi cách đánh giá thì khó có cơ sở để đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của giáo viên.
Hơn nữa, về mặt pháp lý cũng cần tính đến những quyền của giáo viên khi thấy mình bị chấm dứt hợp đồng với lý do không thỏa đáng.
Kinh nghiệm cho thấy có những chủ trương, thể chế được triển khai không mang lại kết quả như mong muốn, ví dụ như giảm biên chế, xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức...
Ngay thể chế về bỏ biên chế suốt đời đối với viên chức được quy định khá lâu mà triển khai như thực tiễn nêu trên đã nói lên điều đó.
Bỏ biên chế giáo viên cần chú ý mấy vấn đề sau: Bảo đảm sự kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện từ Chính phủ tới các bộ ngành và địa phương. Làm đồng bộ đối với cả đội ngũ viên chức trong cả nước, không chỉ riêng viên chức giáo viên. Thực hiện việc ký hợp đồng làm việc đối với tất cả viên chức, không phân biệt viên chức được tuyển trước 2003 với sau 2003. Thay đổi ngay phương pháp đánh giá kết quả làm việc của cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bảo đảm thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Về lâu dài, bắt tay vào nghiên cứu thực hiện bỏ chế định biên chế suốt đời đối với công chức, chuyển sang ký hợp đồng làm việc giống như viên chức sự nghiệp. |
Nguồn tin: Báo VietNamNet