Trong nước

“Biết rất rõ vi phạm nhưng không dám tố cáo”

“Thực tiễn chỉ người trong cuộc mới biết những hành vi vi phạm và biết rất rõ, nhưng không bảo vệ được người tố cáo thì họ biết mà không dám nói”.

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc dự luật Tố cáo (sửa đổi) mở rộng đối tượng bảo vệ. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền hiến định và góp phần đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Người trong cuộc chỉ biết lắc đầu ngao ngán

Đại biểu Bùi Văn Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng dự luật đã rất tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tố cáo theo Hiến định. Vấn đề đặc biệt nhất trong thực tế là chúng ta chưa thể có cơ chế bảo vệ được người tố cáo, cho nên người dân không dám đứng tên tố cáo.

Điểm mới của luật là chấp nhận tố cáo không rõ tên, địa chỉ hoặc mạo danh nhưng nội dung tố cáo là có, có bằng chứng, cơ sở để xác minh thì vẫn được xem xét. Minh chứng cho vấn đề này, theo đại biểu là lâu nay có một số vụ việc tự nhiên đưa lên mạng, mặc dù không biết ai là người đưa lên nhưng sự việc là có thật, có địa chỉ và hình ảnh chứng minh thì sau đó các cơ quan chức năng vào giải quyết.

Đại biểu Bùi Văn Phương: Không bảo vệ được người tố cáo thì họ biết mà không dám nói

“Chúng ta đã xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật. Đó là việc chúng ta đã thừa nhận. Mặc dù không có tên nhưng có nội dung, cơ sở để xem xét, tôi cho đây là bước tiến để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra” – ông Phương nêu quan điểm.

Cũng theo vị đại biểu đoàn Ninh Bình, thực tiễn chỉ người trong cuộc mới biết những hành vi vi phạm và biết rất rõ, nhưng không bảo vệ được người tố cáo thì họ biết mà không dám nói. Như vậy, hành vi vi phạm pháp luật vẫn cứ diễn ra, những người trong cuộc chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Từ thực tế trên, ông Bùi Văn Phương cho rằng việc ghi nhận cũng phải đồng bộ với quá trình, quy trình xử lý và cần thể hiện rõ trong luật.

Để tránh tình trạng có hành vi bị xử lý, có hành vi không bị xử lý và như vậy tính nghiêm minh của pháp luật sẽ ảnh hưởng, đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) đồng tình với việc bỏ quy định thời hiệu tố cáo.

“Có một thực tế người tố cáo có thể phát hiện hành vi vi phạm pháp luật từ trước của tổ chức, của cấp trên, cấp dưới nhưng vì họ đang ở trong tình trạng phụ thuộc do là người trong cơ quan, tổ chức nên không dám tố cáo mà khi thoát ra khỏi tình trạng phụ thuộc mới tố cáo” – ông Trần Văn Mão nhấn mạnh và cho rằng nếu áp dụng quy định thời hiệu sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đề nghị mở rộng đối tượng bảo vệ

Dự luật sửa đổi lần này mở rộng hơn đối tượng bảo vệ và phạm vi bảo vệ, theo đó, người được bảo vệ bao gồm người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.

Cơ bản đồng tình với quy định trên nhưng đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) vẫn băn khoăn về một số đối tượng khác cũng cần được xem xét để bảo vệ nhưng luật chưa đề cập đến, như người phản ánh, người làm chứng, người giữ chứng cứ, tài liệu có liên quan đến nội dung tố cáo hoặc người cung cấp thông tin...

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị mở rộng đối tượng bảo vệ trong dự Luật Tố cáo (sửa đổi)

“Nếu vì lý do gì đó mà những người này không cung cấp nội dung, hủy tài liệu, làm sai lệch một số chứng cứ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết luận cuối cùng của vụ việc tố cáo” – đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh và đề nghị bổ sung những đối tượng trên để họ được bảo vệ, đảm bảo sự bình đẳng và toàn diện trước pháp luật, tránh những khoảng trống của pháp luật.

Đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) cũng đề nghị bổ sung vào danh sách người được bảo vệ với một số trường hợp cụ thể, như người cung cấp thông tin, người nắm giữ các tài liệu quan trọng làm chứng cứ cho nội dung tố cáo, người trực tiếp xác minh và người giải quyết tố cáo.

“Thực tế vụ việc có tính chất nghiêm trọng, vụ vi phạm có tổ chức, người giải quyết tố cáo, người trực tiếp xác minh và người cung cấp thông tin nắm giữ tài liệu quan trọng, người làm chứng cho nội dung tố cáo đã bị khủng bố, đe dọa tinh thần, ảnh hưởng đến an toàn về tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình họ trong khi họ đang thực hiện trách nhiệm chung với xã hội” – nữ đại biểu nêu ý kiến.

Cũng liên quan đến nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm ý kiến của nhiều đại biểu về việc không nên thu hẹp hoặc giới hạn đối tượng bảo vệ mà thậm chí cần mở rộng hơn đối tượng được bảo vệ nhằm khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo và thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường bảo vệ người tố cáo.

“Một công dân bình thường không liên quan đến người tố cáo hay vụ việc tố cáo nếu bị đe dọa tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm cần được pháp luật bảo vệ thì vẫn được các cơ quan thực thi pháp luật có giải pháp bảo vệ, huống chi là người có liên quan đến việc tố cáo, đặc biệt là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì càng được ưu tiên bảo vệ để đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật” – bà Thuỷ nêu quan điểm./.

Tác giả: Ngọc Thành

Nguồn tin: Báo VOV

  Từ khóa: đại biểu , vi phạm , tố cáo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok