Xung quanh những xôn xao về biệt phủ không phép của cán bộ Công an huyện, ngày 3/5, trao đổi với báo Đất Việt, ông Đỗ Trọng Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, ông Phạm Văn Công, cán bộ Công an huyện Vĩnh Lộc chỉ được UBND huyện cho phép xây dựng khu kinh doanh nông sản và vật tư nông nghiệp trong phạm vi diện tích 523m2.
Tuy nhiên, trên thực tế, tổng diện tích mà ông Phạm Văn Công đã xây dựng khu biệt phủ là hơn 5.000m2.
Cổng vào khu biệt phủ của ông Phạm Văn Công. Ảnh: Dân Việt |
"Giai đoạn 1, ông Công được phê duyệt tất cả cả các hạng mục và có quyết định đầy đủ.
Tuy nhiên, khi đến giai đoạn 2, ông Công xin thầu thêm khoảng 4.590 m2 để chuyển đổi mục đích là trồng cây lâu năm và chăn nuôi, tôi đã ký văn bản và tất cả mọi thủ tục đều đã gửi lên huyện từ tháng 8/2017 còn quyết định như nào là thẩm quyền của huyện.
Các nội dung sau này, ông Công đều chủ động quan hệ đối nội, đối ngoại, còn trách nhiệm của xã đã làm xong", ông Xuân nói.
Theo ông Xuân, với chủ trương chuyển đổi trồng cây lâu năm và chăn nuôi là hướng đi đúng, tuy nhiên cần có quyết định phê duyệt của huyện mới được làm. Trong thời gian ông Công xây dựng vượt quá hạn mức, phía xã đã tiến hành chỉ đạo lập biên bản và xử phạt.
Ông Xuân nói: “Công trình của ông Công xây dựng được 2 tháng, chúng tôi lập biên bản và xử phạt 3 triệu đồng. Thời điểm đó, ông Công nói với chúng tôi sẽ lo được đầy đủ thủ tục”.
Căn nhà chính. Ảnh: Dân Việt |
Cũng theo ông Xuân, việc ông Công cố tình xây dựng khi chưa có văn bản là hoàn toàn sai, lẽ ra ông Công nên đợi sự đồng ý của cấp huyện rồi mới làm.
Nói thêm về gia đình ông Công, vị Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành cho rằng: "Ông Công còn trẻ tuổi, vợ con ông có mỏ cát cách đó khoảng mấy trăm mét. Tài nguyên cát vô cùng có giá trị".
Về việc này, cùng ngày, ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Dù là diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả đã được chuyển đổi đi chăng nữa thì cũng chỉ được phép trồng cây chứ làm sao được phép xây nhà cửa kiểu vậy.
Đằng này, đất mà ông Công xây dựng công trình trên đó còn chưa được chuyển đổi hết thì lại càng không được phép. Nếu cán bộ nào cũng như ông Công có mà loạn. Làm thế là sai".
Hồ bơi. Ảnh: Dân Việt |
Nói thêm về việc này, lãnh đạo Công an huyện Vĩnh Lộc cho biết, ông Công là đảng viên, không ai cấm đảng viên làm doanh nghiệp. Tuy nhiên, có làm gì thì làm, cũng phải chấp hành đúng quy định của pháp luật.
"Ông Công xây dựng công trình đó không báo cáo Công an huyện nên sai thì cứ chiếu theo quy định của pháp luật mà phân xử. Công an huyện đang làm báo cáo Giám đốc Công an tỉnh về sự việc của ông Phạm Văn Công. Quan điểm của Công an huyện là không bao che, xử lý nghiêm, khách quan".
Như báo chí đưa tin, ông Công được bà Vũ Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cấp phép thành lập khu kinh doanh nông sản và vật tư nông nghiệp trên diện tích 523m2.
Thế nhưng, trên thực tế, ông Phạm Văn Công đã tiến hành xây cả khu biệt phủ rộng hơn 5.000m2 với đầy đủ các hạng mục đồ sộ từ cổng vào, hòn non bộ, bể bơi, núi nhân tạo, biệt thự... gây bức xúc trong dư luận và nhân dân huyện Vĩnh Lộc.
Tường bao xây rất kiên cố. Ảnh: Dân Việt |
“Chúng tôi xây cái chòi, huyện, xã còn nắm được thì hà cớ gì cả một "biệt phủ" rộng hơn 5.000m2 lừng lững không phép mọc ngay sát quốc lộ 217 lại không có một cơ quan chức năng nào vào cuộc xử lý triệt để" - ông T, cán bộ quân đội nghỉ hưu bức xúc.
Anh Q - một người thợ xây tại khu biệt phủ này khoe: "Công trình đã được chúng tôi xây dựng từ hơn 1 năm nay. Cũng khá lâu rồi, tôi mới được tham gia xây dựng dự án lớn thế này".
Tác giả: Thu Hoài
Nguồn tin: Báo Đất việt