Nhà nghỉ K. V. nơi xảy ra sự việc ông Bí thư huyện ủy vào thăm chị M. Ảnh: Trần Lộc- Zing |
Chuyện ông Nguyễn Quang Thuân – Bí thư Huyện ủy Krông Ana sang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk mới đây lại một lần nữa khiến dư luận xôn xao. Bởi chuyện này cũng kỳ lạ không kém gì chuyện ông vào nhà nghỉ thăm nữ cán bộ.
Theo như lời lý giải của ông Bí thư thì ông vào nhà nghỉ thăm nữ cán bộ vì lo cho sức khỏe của chị này, trước đó đang uống cà phê thì chị bị trúng gió phải lấy phòng để nghỉ ngơi. Ấy là do lòng tốt của ông, ông coi chị cán bộ như anh em trong nhà.
Chỉ vì lòng tốt mà ông bị cài bẫy, bởi sau khi ông vào phòng đóng cửa lại đi vệ sinh thì có hàng loạt người, trong đó có chồng chị M ập đến gõ cửa đòi vào. Chị M mở cửa thông gió trèo ra ngó xem thì bị rơi điện thoại, nên phải chui ra nhặt rồi lại chui vào phòng qua cửa thông gió. (Ấy thế mà trước đó chị đã bị trúng gió cơ đấy, nếu không bị trúng gió thì chắc chị M sẽ có đủ sức khinh công nhún nhẹ 1 cái bay vọt qua nóc nhà).
Người có lòng tốt như ông, lo lắng cho sức khỏe cấp dưới như anh em trong nhà, chuyển công tác sang Hội Chữ thập đỏ là đúng rồi. Quá chuẩn xác. Chắc chắn với tấm lòng và tình thương rộng lớn như vậy, ông sẽ phát huy được sở trường, đưa phong trào Chữ thập đỏ của tỉnh nhà đi lên.
Bởi người làm công tác hội Chữ thập đỏ phải là người có tình thương người, thương yêu đồng loại, biết chia sẻ đùm bọc. Bản tính của ông Bí thư như vậy chắc chắn rất phù hợp với công việc lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Cũng như một ông quan cấp xã khác là ông Lê Quang Kỳ, Chủ tịch UBND xã Quảng Yên (Quảng Xương, Thanh Hóa) khác cũng vừa mới bị kỷ luật cảnh cáo. Nguyên nhân là ông này bị cáo buộc đã đòi phí "lót tay" khi chi trả tiền bão lũ cho người dân.
Theo thống kê, gần 100 hộ dân tại địa phương này sẽ được nhận số tiền 248,3 triệu đồng tiền hỗ trợ bão lũ. Theo phản ánh, trong cả 2 đợt chi trả, ông Lê Quang Kỳ, Chủ tịch UBND xã Quảng Yên đã chỉ đạo cán bộ xã "xin lại" 10% tiền hỗ trợ của mỗi hộ dân để lo lót đi lại.
Thậm chí, ông Kỳ còn gọi điện thoại cho một hộ dân bị thiệt hại nặng nề đề nghị phải đưa 3 triệu đồng để đi lo thủ tục. Người dân đã ghi âm lại việc làm này của Chủ tịch xã và làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng.
Người như ông chủ tịch xã Quảng Yên, không phải chỉ kỷ luật cảnh cáo mà cần phải chuyển sang làm nghề “cò dịch vụ”, bởi ông này có chuyên môn cao trong việc đòi tiền “lót tay”. Ai có sở trường, thế mạnh ở điểm nào, công tác cán bộ cần phải tận dụng để phát huy lợi thế đó mới là chuẩn xác.
Đọc những tin tức thế này, nhiều người tỏ ra bất bình, bởi nếu vi phạm mà chỉ cảnh cáo, kiểm điểm rút kinh nghiệm thì rõ là thiếu công bằng với người dân. Tại sao họ là cán bộ, có khuyết điểm rõ ràng mà lại chỉ bị xử lý cảnh cáo?
Tác giả: Mi An
Nguồn tin: Báo Đất việt