Ảnh minh họa. |
Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, vừa nhận được công văn đề nghị thanh toán chi phí lập quy hoạch dự án khu trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở tại phường Đông Hương, TP.Thanh Hóa của Công ty Cổ phần Bitexco.
Về đề nghị này, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính nghiên cứu nội dung công văn trên và có văn bản trả lời Công ty Cổ phần Bitexco, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền.
Trước đó, 26/2/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thu hồi 31,265 ha đất của Công ty Cổ phần Bitexco tại phường Đông Hương, TP.Thanh Hóa tại Quyết định số 696/QĐ-UBND với lý do đất được Nhà nước giao để đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng.
Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên Công ty Cổ phần Bitexco đòi lại chi phí đầu tư khi bị thu hồi dự án.
Cụ thể, đầu tháng 2 năm nay, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc xác định chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí cơ hội của nhà đầu tư do dừng triển khai dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
Tại văn bản trên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tháng 3/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 20, trong đó nêu rõ Thủ tướng quyết định dừng triển khai Quyết định 1597 về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết theo hình thức PPP và chấm dứt việc chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư thực hiện dự án. Việc Thủ tướng quyết định dừng triển khai dự án thí điểm và chấm dứt việc Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất thực hiện dự án “là yếu tố khách quan, do thay đổi về chủ trương đầu tư của nhà nước”.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, quá trình thực hiện dự án, Bitexco đã chi tổng cộng 84,1 tỷ đồng cho dự án, bao gồm chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí quản lý và chi phí dich vụ tư vấn – dịch vụ.
Bên cạnh đó, Bitexco cho rằng công ty phải được tính thêm chi phí cơ hội. Cụ thể, theo báo cáo của doanh nghiệp này, trong trường hợp tiếp tục triển khai dự án, doanh nghiệp dự án (trong đó có Bitexco) sẽ được hưởng tỷ suất lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu là 19%/năm.
Nhấn mạnh tới chi phí cơ hội, trong các văn bản của mình, Bitexco cho rằng “việc thanh toán chi phí cơ hội là phù hợp với tinh thần quy định về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật tại Điều 13 Luật Đầu tư, cũng tương đương với bồi thường thiệt hại theo Điều 419 Bộ luật Dân sự và hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại theo khoản 4, Điều 13 Luật Đầu tư và Chính phủ đã chấp thuận tại Nghị quyết 20”.
Trước đòi hỏi trên của Bitexco, đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
Tại văn bản, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng giao bộ này tổ chức phê duyệt và chịu trách nhiệm về chi phí chuẩn bị dự án, thanh toán cho Công ty TNHH Tập đoàn (Bitexco) bằng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt theo chỉ đạo của Nghị quyết 20 của Chính phủ.
Dù vậy, về chi phí cơ hội, Bộ Giao thông Vận tải cho biết do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc xác định chi phí cơ hội cho nhà đầu tư trong trường hợp dừng thực hiện dự án bởi chủ trương thay đổi từ Nhà nước như dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Vận dụng quy định tại Bộ luật Dân sự, theo ý kiến của Bộ Tư pháp trường hợp xác định chi phí cơ hội là một thiệt hại thì nhà đầu tư có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015. Việc xác định chi phí bồi thường thiệt hại tương tự như lợi ích mà lẽ ra nhà đầu tư được hưởng, là chi phí vốn của phần vốn nhà đầu tư đã bỏ ra.
"Đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định việc xác định chi phí cơ hội này, trong quá trình triển khai kiểm toán giá trị thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định hiện hành", Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị.
Tác giả: VẠN XUÂN
Nguồn tin: Bizlive.vn