Trong tỉnh

Nhà máy ô tô nghìn tỷ ở Thanh Hóa bị thu hồi đất, Chủ tịch Vinaxuki nói gì?

Mặc dù đã đầu tư san nền và giải phóng mặt bằng nhưng 26 ha đất nhà máy sản xuất ô tô của Vinaxuki ở Thanh Hóa vẫn bị thu hồi do bỏ hoang nhiều năm.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa quyết định thu hồi 26 ha đất đang cho công ty TNHH một thành viên ôtô Vinaxuki Thanh Hóa thuê để thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy xây dựng.

Diện tích này nằm trong phần đất Cụm công nghiệp Song Lộc (thuộc xã Đại Lộc và xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc).

Quyết định này dựa trên đề nghị của sở Tài nguyên và Môi trường. Lý do là Vinaxuki đã bỏ hoang nhà máy ở Thanh Hóa từ năm 2013 đến nay không hoạt động.

Với diện tích đất còn lại, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu công ty khẩn trương đầu tư, tái khởi động lại nhà máy trước ngày 31/3/2018. Sau ngày này, UBND tỉnh sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật nếu công ty không tiếp tục đầu tư dự án.

Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn 1.360 tỷ đồng. Nó hoạt động 2 năm rồi bị ngừng trệ.

Dự án nhà máy sản xuất ô tô Vinaxuki ở Thanh Hóa.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về thông tin trên, ông Bùi Ngọc Huyên – Chủ tịch Vinaxuki cho biết, ông chưa nhận được văn bản thông báo về việc bị thu hồi đất này song cũng đã được biết thông qua một cuộc họp với phía ngân hàng trước đó.

Ông Huyên cho biết đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng vào công việc san nền và giải phóng mặt bằng cho dự án đó.

Chủ tịch Vinaxuki chia sẻ, từ năm 2008 Vinaxuki đã xây dựng dự án và bắt đầu giai đoạn đầu tư công nghệ cao để sản xuất ô tô Việt Nam với mức nội địa hóa lên đến 50%, một số mẫu ô tô của hãng này bán tốt, được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên đến năm 2012 Vinaxuki bị các ngân hàng dừng cho vay vốn.

“Sau quyết định nói trên, tình hình sản xuất kinh doanh của Vinaxuki bị đình đốn, nhà xưởng và máy móc thiết bị tại cụm công nghiệp Thái Nguyên, Thanh Hóa và Hà Nội bị dột nát, han gỉ. Trong 5 năm qua, chúng tôi đã phải vay người thân 4,6 tỷ đồng để trả lương nhân viên trông coi quản lý, thợ điện, bảo vệ…” – ông Huyên đau xót nói.

Được biết, tính đến ngày 30/6/2017, tổng số nợ gốc của Vinaxuki tại bốn ngân hàng thương mại là gần 1.367 tỷ đồng. Trong đó, nợ tại Vietcombank là hơn 623 tỷ đồng, tại BIDV 608 tỷ đồng, tại Vietinbank là 98 tỷ đồng và tại VIB là 36 tỷ đồng.

Cho rằng mình không gặp may mắn về tài chính, cộng với các vấn đề khác trong làm ăn, vào tháng 9/2017, ông Bùi Ngọc Huyên đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, ban Kinh tế TW, Văn phòng Chính phủ và một số ban bộ ngành khẳng định Vinaxuki đầu tư công nghệ ô tô sớm nhất ở Việt Nam là đúng đắn về công nghệ và thị trường, qua đó đề xuất được vay 30 triệu USD để mua lại nợ xấu hoặc VAMC mua nợ xấu và tái cơ cấu cho Vinaxuki.

Tuy nhiên, sau đó bộ Tài chính đã có văn bản trả lời đề xuất của Vinaxuki về việc xin được vay vốn ngân hàng để mua lại các khoản nợ xấu tại VAMC là không có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Ngày 16/9/2017, ông Bùi Ngọc Huyên gửi văn bản đến ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 4 ngân hàng thương mại, đề nghị được cơ cấu nợ để tiếp tục giấc mơ sản xuất ô tô Việt. Hiện tại đề nghị nói trên chưa được chấp nhận.

Tác giả: Minh Minh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok