Vài năm trước, khi đi qua vùng cây bụi khô cằn và gai góc ở miền nam Ấn Độ, ai đó đã chỉ cho Yasaswini Sampathkumar, phóng viên của BBC, thấy chóp đầu của loài rắn hổ mang nhô cao bên vệ đường. Vào thời điểm đó, anh đang ngồi trên ôtô. Đường đẹp, xe chạy tốc độ cao, điều hòa mát rượi cùng cảnh quan đô thị khiến người đàn ông này không thể cảm nhận nỗi sợ trước loài rắn.
Hiện tại, tình thế hoàn toàn thay đổi. Cách chưa đầy 3 m, trước mặt Sampathkumar là một con hổ mang lớn. Giữa họ là một bức tường gạch thấp. Âm thanh khò khè phát ra khiến anh không khỏi rùng mình, mắt chăm chú dõi theo vua của các loài rắn.
Rắn chỉ tấn công khi cảm thấy bị đe dọa. Ảnh: Getty. |
"Chúng tôi đang tỉa cây ở bên ngoài", Rajendran, người dân làng Vadanemmeli, điềm nhiên nói trong lúc xử lý một trong những loài rắn độc nhất Ấn Độ. Ông chỉ mặc một chiếc áo sơ mi rộng và quấn chiếc sarong nhạt màu.
Tay cầm thanh kim loại dài có móc trơn ở cuối, Rajendran hướng con rắn đến một hũ đất. "Những rung động của việc tỉa cây khiến con rắn sợ hãi", ông nói.
"Rất nhiều người sợ rắn. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng loài rắn chỉ muốn sinh tồn. Nếu chúng ta di chuyển kích động, chúng sẽ cảm thấy bị đe dọa và tấn công chúng ta. Nếu chúng ta đứng im, chúng thường trườn đi", ông chia sẻ.
Rajendran là người của bộ tộc Irula, một trong những dân tộc bản địa lâu đời nhất Ấn Độ. Họ sống dọc theo bờ biển vùng đông bắc bang Tamil Nadu và nổi danh vì những kiến thức về loài rắn cũng như những kỹ năng bắt chúng.
Tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, mỗi năm, gần 50.000 người thiệt mạng do rắn cắn. Cách chữa trị tốt nhất là dùng huyết thanh kháng nọc cho bệnh nhân ngay lập tức. 6 công ty trên khắp Ấn Độ sản xuất khoảng 1,5 triệu liều huyết thanh mỗi năm. Đa số được sản xuất từ nọc độc do bộ tộc Irula trích xuất.
Năm 1978, Hội Hợp tác Công nghiệp Thợ bắt rắn Irula (ISCICS) được thành lập tại làng Vadenmemli với mục đích bắt và lấy nọc rắn. Rajendran là một thành viên của hội.
Thu nhập chủ yếu của người Irula đến từ rắn. Ảnh: Alamy. |
Hội bắt rắn độc
Tại cơ sở của ISCICS, Rajendran dẫn Sampathkumar đến nơi lấy nọc rắn. Gian lều tranh có mái lá che nắng và một bục nhỏ nhô cao giữa hố cắm bảng thông tin về các loại rắn được nhốt bên trong.
Từ cái hũ nằm trong góc hố cát, ông lôi ra một con rắn hổ bướm và đặt nó lên bục. Đây là một trong những loài rắn độc hung hãn nhất vùng. Những đốm tròn trên da con vật khiến người ta rùng mình.
"Hiện tại, chúng tôi không nhốt quá nhiều rắn", Rajendran thông tin và chỉ tay đến những hũ đất được xếp ngay ngắn bên ngoài lều tranh. Mỗi hũ được đổ cát đến lưng chừng và nhốt 2 con rắn.
Người ta bịt hũ cẩn thận bằng vải cotton mỏng, vừa để cho lũ rắn không thể chạy thoát, vừa để không khí tràn vào bên trong. Đó là biện pháp đề phòng cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả rắn và người dân trong khu vực, nhất là khi số lượng rắn độc quá nhiều.
ISCICS có giấy phép nuôi nhốt 800 con rắn cùng lúc. Mỗi con được nhốt khoảng 21 ngày. Trong thời gian đó, các thành viên trong hội sẽ lấy nọc 4 lần.
|
|
|
Trước khi thả về tự nhiên, nhân viên ISCICS đánh dấu lên vảy bụng con vật để tránh bắt lại. Sau vài lần lột da, ký hiệu này cũng biến mất. Ảnh: Getty. |
Nỗi buồn của bộ tộc tay không bắt rắn
Tầm hiểu biết và sự tự tin của Rajendran với rắn xuất phát từ thời thơ ấu sống trong rừng. Chưa đầy 10 tuổi, ông đã chứng kiến những người trong tộc bắt hàng trăm con.
Bộ tộc Irula thường làm việc lặng lẽ, ngay cả khi họ vào rừng cùng người khác. Bản năng mách bảo cho họ ý nghĩa những dấu mờ trên mặt đất. Tuy nhiên, họ thường khó diễn tả hiểu biết của mình với người khác, kể cả những người chuyên nghiên cứu bò sát.
Nguồn gốc của bộ tộc Irula và mối quan hệ của họ với loài rắn vẫn là điều bí ẩn. Theo tín ngưỡng, vị thần họ là tôn thờ là nữ thần Kanniamma, vốn có quan hệ với rắn hổ mang. Trong nhiều nghi thức, giáo sĩ sẽ lên đồng và phát ra tiếng khò khè như rắn, tượng trưng cho tinh thần của bà.
Song, đến thế kỷ 20, vì trang trải cho cuộc sống, hàng chục nghìn người Irula phải săn rắn lấy da. Những nhà thuộc da trả 10-15 ruppe (hơn 3.000 đồng) để mua một bộ da rắn trước khi chế biến và xuất khẩu sang phương Tây.
Số tiền nhỏ nhoi đó chiếm phần lớn thu nhập hàng tháng của gia đình. Do tôn kính với nữ thần, người Irula không ăn thịt rắn.
Tuy nhiên, năm 1972, Luật Bảo vệ Động vật Hoang dã ở Ấn Độ cấm săn bắn một số loài động vật, gồm rắn. Sau khi luật này có hiệu lực, bộ tộc Irula lâm vào cảnh khó khăn.
Đa số huyết thanh kháng nọc rắn được sản xuất từ nọc độc do bộ tộc Irula trích xuất. Ảnh: Alamy. |
Sự ra đời của ISCICS là bước ngoặt quan trọng. Dù thuê chưa đến 1% lao động bộ tộc, hội đã tạo nên tính hợp pháp cho những kỹ năng truyền thống của người Irula.
Vốn là cộng đồng săn bắt hái lượm, họ đã quen với việc bị chính quyền địa phương coi là những kẻ săn trộm. Các cộng đồng khác trong vùng nhìn họ với ánh mắt ngờ vực. Công việc của họ với rắn làm tăng thêm thành kiến.
"Khi chúng tôi vào làng, họ gọi chúng tôi bằng những cái tên miệt thị. Chúng tôi bị đối xử tồi tệ và thường bị lừa", Susila, phụ nữ bộ tộc Irula, kể về những điều bà đã trải qua.
Nhiều người Irula thất học và phải đi làm các công việc khác để trả nợ. Tuy nhiên, Susila vẫn tự hào khi nói về những kỹ năng mà tổ tiên truyền lại.
Kỹ năng của tổ tiên còn hữu ích trong cuộc sống hiện đại?
Sau khi gặp vấn đề với việc kiểm soát loài trăn Miến Điện ở vườn Quốc gia Everglades (Mỹ), Ủy ban Bảo tồn Cá và Động vật Hoang dã bang Florida đã mời người Irula về làm việc. Masi và Vadivel, 2 thành viên của ISCICS, đã bay nửa vòng Trái Đất để tham gia dự án.
Trăn Miến Điện sinh sôi đông đảo ở Everglades và đe dọa những loài động vật khác trong khu vực. Trong 2 tháng, sau 60 chuyến đi rừng, Masi và Vadivel đã bắt 34 con trăn.
Hiệu suất làm việc của Masi và Vadivel hơn nhiều so với các thợ săn Mỹ cũng như chó đánh hơi được huấn luyện. Ảnh: Joe Wasilewski. |
"Người Irula là sự đánh cược tốt nhất của chúng tôi", Joe Wasilewski, chuyên gia về động vật hoang dã tại Đại học Florida, nói.
Tuy nhiên, áp lực vẫn đè nặng lên cuộc sống của bộ tộc này. Rajendran quan ngại về tình trạng đô thị hóa hướng dần về phía làng Vadanemmeli. Những khu thương mại sẽ xâm phạm vào môi trường hoang dã.
Chennai là thành phố 7 triệu dân và đang mở rộng về mọi hướng. Có lẽ, một ngày nào đó, làng Vadanemmeli cũng bị thành phố này nuốt chửng. Hai bên đường chạy đến làng đã xuất hiện những phòng trưng bày và nhà nghỉ phô trương. Gần nơi lấy nọc rắn, các khu nghỉ dưỡng cao cấp mọc lên với tầm nhìn hướng ra vịnh và sông ngòi.
Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo huyết thanh kháng nọc phải được lấy từ những con rắn hoàn toàn bị nuôi nhốt. Điều này có nghĩa nhu cầu sử dụng khả năng của người Irula có thể giảm vì họ chuyên bắt rắn hoang dã.
Masi, Vadivel và Rajendran có thể là thế hệ cuối cùng của người Irula còn giữ gìn kiến thức và kỹ năng tổ tiên để lại. Phụ huynh trong bộ tộc muốn cho con hòa nhập vào xã hội. Phần lớn trẻ đến trường và không vào rừng cùng bố mẹ. Nhiều em thậm chí còn sợ rắn.
Tác giả: Kim Ngân
Nguồn tin: zing.vn