Thế giới

Bệnh nhân nguy kịch vì COVID-19 hồi phục sau 4 ngày tiêm tế bào gốc

Một phụ nữ 65 tuổi nhiễm COVID-19 ở Vân Nam, Trung Quốc đã hồi phục từ trạng thái nguy kịch chỉ 4 ngày sau khi được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc.

Một bệnh nhân nguy kịch đã hồi phục sau khi điều trị bằng tế bào gốc - Ảnh: Tân Hoa xã

Nữ bệnh nhân đã chiến đấu giành giật mạng sống trong vòng 2 tuần tại Bệnh viện Bảo Sơn, thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam ở tây nam Trung Quốc.

Nhưng theo báo cáo được xuất bản bởi một nhóm nhà nghiên cứu từ Đại học Côn Minh do tiến sĩ Hu Min đứng đầu, chỉ 4 ngày sau khi được tiêm tế bào gốc từ nhau thai, nữ bệnh nhân đã có thể đứng lên và đi lại.

Sự hồi phục bất ngờ của nữ bệnh nhân nói trên là rất quan trọng và truyền cảm hứng cho các thử nghiệm lâm sàng tương tự trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. "Liệu pháp tế bào gốc có thể là lựa chọn điều trị lý tưởng hoặc kết hợp với các tác nhân thúc đẩy miễn dịch khác", theo tác giả nghiên cứu.

Trường hợp của nữ bệnh nhân tại tỉnh Vân Nam là 1 trong 14 thử nghiệm sử dụng liệu pháp tế bào gốc để điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Trung Quốc, theo dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Mặc dù liệu pháp này còn gây tranh cãi, nhưng các chuyên gia y tế và cơ quan y tế vẫn hi vọng nó sẽ trở thành cứu cánh cho những bệnh nhân nguy kịch.

Nữ bệnh nhân nói trên tới Côn Minh hôm 21-1 từ Vũ Hán. Sau đó, bà xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho và xét nghiệm cho thấy dương tính với COVID-19.

Dù được điều trị kết hợp thuốc kháng virus và kháng sinh, tình trạng của nữ bệnh nhân đã nhanh chóng chuyển biến xấu sau khi cải thiện đôi chút. Bà được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt hôm 1-2.

Hôm 9-2, sau khi tình trạng nữ bệnh nhân tiếp tục chuyển biến xấu, có biểu hiện suy tạng, các bác sĩ bắt đầu sử dụng liệu pháp tế bào gốc để điều trị sau khi tham khảo ý kiến từ bệnh viện và gia đình bệnh nhân.

Các bác sĩ sử dụng liệu pháp tế bào gốc vì thử nghiệm trên động vật cho thấy liệu pháp này có khả năng phục hồi thương tổn, trong khi COVID-19 gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng ở phổi, gan và các cơ quan nội tạng khác.

Sau liều đầu tiên được tiêm vào ngày 9-2, bác sĩ tiêm liều thứ 2 cho nữ bệnh nhân vào ngày 12-2 sau khi xác định không có tác dụng phụ. Tới ngày 13-2, tức 4 ngày sau khi tiêm tế bào gốc, bệnh nhân đã ra khỏi giường và đi dạo quãng ngắn.

Liều cuối cùng được tiêm vào ngày 15-2, các cơ quan nội tạng của bệnh nhân dần trở lại bình thường và xét nghiệm cho thấy bà đã âm tính với COVID-19.

Zhang Xinmin, từ Bộ Khoa học và công nghệ ở Bắc Kinh, nói trong một cuộc họp báo ngày 15-2 rằng thử nghiệm tế bào gốc trên cả nước cho thấy liệu pháp này an toàn và hiệu quả.

Các bệnh viện ở thành phố Hoàng Cương, một trong những thành phố bị nặng nhất ở Hồ Bắc, đã nhận được lô hàng tế bào gốc đầu tiên vào tuần trước và sẽ điều trị cho ba bệnh nhân bị bệnh nặng.

Liệu pháp tế bào gốc ra đời vào những năm 1980, nhưng vẫn gây tranh cãi trong cộng đồng nghiên cứu. Các nhà khoa học từng cân nhắc sử dụng phôi thai người như nguồn cung cấp tế bào gốc, nhưng ý tưởng này bị chỉ trích về mặt đạo đức.

Giới nghiên cứu đề xuất nhiều phương pháp thay thế để thu thập tế bào gốc, như biến đổi tế bào mô thường thành tế bào gốc.

Các nhà khoa học Trung Quốc đang tăng cường nghiên cứu tế bào gốc. Trong khi việc sử dụng các tế bào từ phôi thai khỏe mạnh bị cấm, các nhà khoa học được phép sử dụng trứng đã thụ tinh bị loại bỏ do bệnh hoặc khiếm khuyết.

Tác giả: Minh Khôi

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok