Mẹ bé 27 tuổi, sinh con lần thứ hai. Ở tuần thai thứ 28 chị khám thai, siêu âm phát hiện thai nhi bị thoát vị hoành trái, bác sĩ chỉ định mổ bắt con. Bé chào đời khi gần 39 tuần thai tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh, nặng 2,7 kg bị suy hô hấp, tím quanh môi. Sau sinh, bé được thở máy và dùng kháng sinh, dịch nuôi dưỡng.
Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và chụp X-quang của bé cho thấy dạ dày và quai ruột chiếm toàn bộ phổi trái, đẩy tim và trung thất sang phải. Hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ quyết định phẫu thuật mổ nội soi cấp cứu khâu cơ hoành, bởi nếu không kịp thời mổ để sắp xếp lại vị trí nội tạng, bé có nguy cơ tử vong.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện toàn bộ hồi tràng, đại tràng trái, lách, tuyến thượng thận trái của bé thoát vị nằm hoàn toàn trên khoang màng phổi trái. Bác sĩ đã trả các tạng thoát vị về ổ bụng cho bé.
Sau phẫu thuật, bé đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm, đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.
Kíp phẫu thuật chuẩn bị mổ xếp lại nội tạng đúng vị trí cho bé. Ảnh: N.P. |
Bác sĩ Trịnh Trương Tuyên cho biết, thoát vị hoành bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là hiện tượng các tạng từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết bẩm sinh, thường ở vị trí lỗ sau và bên trái của cơ hoành. Tùy thuộc vào lỗ thoát vị to hay nhỏ mà các phủ tạng có thể chui lên lồng ngực như dạ dày, ruột non, lách.
Bác sĩ khuyến cáo, thai phụ từ tháng thứ 5 trở đi có thể phát hiện thai nhi bị bệnh này nhờ sêu âm. Khi ấy các bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời đưa các tạng thoát vị về đúng vị trí sinh lý và khâu chỗ thoát vị hoành lại. Trường hợp bé chào đời mới phát hiện tình trạng thoát vị thì nguy cơ tử vong rất cao.
Tác giả: Lê Nga
Nguồn tin: Báo VnExpress