Xã hội

Bé trai hơn 1 tuổi bất ngờ được phát hiện mắc “bệnh người lớn”

Nghĩ bé trai bị viêm da thông thường, ông bà tự điều trị cho cháu. Khi không thấy tổn thương hết, ông bà báo bố mẹ đưa cháu đi khám thì mới biết bé mắc giang mai.

Từ khi sinh ra, bé trai 18 tháng tuổi (người dân tộc Mông, Hà Giang) luôn khỏe mạnh, phát triển tốt. Do bố mẹ đi làm công nhân ở tỉnh xa, bé được gửi ở với ông bà.

Biết vùng quanh hậu môn của bé có thương tổn mảng màu trắng xám và ẩm nhưng nghĩ cháu bị viêm da thông thường do vấn đề vệ sinh quần áo, tã vải chưa sạch, ông bà tự điều trị cho cháu. Khi không thấy tổn thương hết, gia đình mới đưa cháu đi khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Tại đây, bé có kết quả dương tính với giang mai và phải nhập viện để theo dõi, điều trị.

TS.BS Trần Thị Huyền, Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, chia sẻ thêm, khi phát hiện trẻ mắc giang mai, các bác sĩ đã khuyên bố mẹ bé đến bệnh viện làm xét nghiệm. Tuy nhiên, bố mẹ bé vẫn rất chủ quan cho rằng không có biểu hiện bất thường và bận đi làm nên không đến khám. Các bác sĩ phải chủ động, phân tích rất nhiều lần bố mẹ cháu mới đến làm xét nghiệm. Kết quả đúng như dự đoán, hai vợ chồng đều dương tính với giang mai. Bé bị lây bệnh từ mẹ trong quá trình mang thai. Theo TS Huyền, đây không phải trường hợp duy nhất bố mẹ không tin mình mắc "bệnh xã hội" và là nguồn lây truyền cho con. Đặc biệt là những gia đình sống ở vùng sâu, vùng xa.

Giang mai là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục và chủ yếu gặp ở người lớn, song cũng có thể ghi nhận ở bất cứ lứa tuổi nào. Trẻ em bị bệnh giang mai thường do lây từ người mẹ bị bệnh trong quá trình mang thai.

Giang mai ở trẻ em (bệnh giang mai bẩm sinh) được chia thành giang mai bẩm sinh sớm (xuất hiện trong 2 năm đầu) và giang mai bẩm sinh muộn (xuất hiện sau đẻ 3-4 năm hoặc khi đã trưởng thành).

Với trẻ mắc giang mai bẩm sinh có biểu hiện sớm trước 2 tuổi, các dấu hiệu nhận diện thường là có phỏng nước, bong vảy lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, xương to, đau các đầu xương làm trở ngại vận động. Trẻ sinh ra nhỏ hơn bình thường, da nhăn nheo như người già, bụng to, có các mạch máu tím trên da bụng, gan to, lách to, trẻ có thể sụt cân nhanh, thậm chí chết bất thình lình.

Tuy nhiên, ở trường hợp trên, các biểu hiện khá kín đáo, ít gặp. Việc "nghĩ tới bệnh" giang mai là do kinh nghiệm thăm khám bệnh lâu năm, nên cho trẻ thực hiện các xét nghiệm cần thiết.

TS.BS Trần Thị Huyền cho hay, trẻ có thể lây nhiễm giang mai từ mẹ, thường xảy ra từ tháng 4-5 của thai kỳ chứ không phải lây truyền trong quá trình sinh nở, chuyển dạ như một số bệnh truyền nhiễm khác. Tùy theo mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào bào thai mà có thể xảy ra các trường hợp: sẩy thai hoặc thai chết lưu, trẻ đẻ non và có thể tử vong.

Nếu nhiễm xoắn khuẩn nhẹ hơn, em bé mới sinh ra trông có vẻ bình thường, sau vài ngày hoặc vài tháng, xuất hiện các thương tổn của bệnh giang mai. Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm xoắn khuẩn, lây qua các vết xước trên da, niêm mạc, lây qua truyền máu.

Do đó, TS Trần Thị Huyền khuyến cáo, cần thực hiện sàng lọc bệnh giang mai với các bà mẹ khi mang thai. Những phụ nữ sống trong cộng đồng có tỷ lệ mắc bệnh cao, phụ nữ nhiễm HIV hoặc người có nguy cơ cao nên thực hiện sàng lọc huyết thanh định kỳ ít nhất 3 lần gồm: Lần khám thai đầu tiên, khi thai được 28 tuần và khi sinh.

Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh giang mai cho phụ nữ mang thai trước tháng thứ 4 - 5 thai kỳ sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con.

Các bác sĩ cũng cảnh báo, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ bị giang mai có thể có các di chứng về tim mạch (viêm mạch màng não, phình động mạch chủ), về thần kinh (viêm màng não cấp, liệt các dây thần kinh sọ não, tăng áp lực nội sọ, sa sút trí tuệ) và về mắt (viêm củng mạc, viêm mống mắt, viêm màng bồ đào). Thậm chí trẻ có thể bị biến dạng hình thái như thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô.

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: mắc giang mai. , bé trai

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok