Ngày 25/5 bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái) vừa tiếp nhận bệnh nhi một tháng tuổi được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến trong tình bú kém, da xanh nhợt, khó thở, bụng chướng,... Đặc biệt, bé có vết loét vùng mông, lòng bàn chân.
Qua thăm khám lâm sàng các bác sĩ xác định gan, lách của bé to, da bụng nổi rõ tĩnh mạch màu xanh. Nghi ngờ mắc giang mai bẩm sinh, các bác sĩ cho mẹ và bé làm xét nghiệm. Kết quả, hai mẹ con đều dương tính với xoắn khuẩn giang mai.
Bệnh nhi có vết loét lòng bàn chân. |
Sau khi được các bác sĩ chỉ định điều trị bằng kháng sinh và truyền máu, tình trạng bệnh của bé đã cải thiện rõ rệt : bé bút tốt hơn, da hồng hào, không còn nổi các tĩnh mạch xanh trên bụng, lá lạch trở lại bình thường. Bé sẽ được theo dõi trong vài ngày tới, nếu tình trạng ổn định có thể xuất viện.
Trao đổi với báo chí, Bác sĩ Mai Hồng Tình, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nghĩa Lộ cho biết, giang mai bẩm sinh là do người mẹ mắc giang mai truyền bệnh cho con trong thai kỳ. Tùy mức độ nhiễm xoắn khuẩn giang mai từ người mẹ, thai nhi có thể bị sảy, chết lưu, đẻ non, nhiễm khuẩn có thể tử vong. Trường hợp nhẹ hơn, bé vẫn chào đời bình thường, sau dần xuất hiện tổn thương ở các cơ quan mắt, tai, xương...khi không được điều trị kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo, người lớn nên tuân thủ việc quan hệ tình dục an toàn như: chung thủy một vợ, một chồng; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục không an toàn.
Phụ nữ mang thai nên xét nghiệm kiểm tra bệnh giang mai ở lần khám tiền sản đầu tiên tại các cơ sở y tế. Trong trường hợp dương tính với bệnh giang mai trong thai kỳ cần được bác sĩ tư vấn và điều trị ngay để tránh ảnh hưởng xấu tới sức khỏe mẹ và thai nhi.
Tác giả: Mỹ Trinh
Nguồn tin: tieudung.vn