Kinh tế

Bê bối hàng giả “sản xuất tại Trung Quốc” xâm nhập quân đội Mỹ

Một người đàn ông Mỹ đã bị cáo buộc tội lừa đảo sau khi bán hơn 20 triệu USD quần áo và thiết bị quân sự giả có xuất xứ từ Trung Quốc cho Bộ Quốc phòng Mỹ.

Bê bối hàng giả “sản xuất tại Trung Quốc” xâm nhập quân đội Mỹ - 1

Quân nhân Mỹ (Ảnh minh họa: Dawn)

Các thẩm phán liên bang tại Rhode Island đã cáo buộc Ramin Kohanbash, 49 tuổi, sinh sống ở New York, bán 20 triệu USD hàng giả có nguồn gốc từ Trung Quốc cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong cáo trạng được công bố hồi tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Kohanbash đã điều hành các công ty chuyên cung cấp hàng giả kém chất lượng từ Trung Quốc có tên California Surplus, Gan Eden và FR-HQ.

Gan Eden sở hữu một nhà kho ở Elizabeth, New Jersey. Đây là nơi nghi phạm Kohanbash để hàng loạt các bộ quân phục và thiết bị quân sự giả mà hắn bán cho các nhà bán buôn để rồi chúng đi đến các cơ quan chính phủ và quân đội Mỹ qua 2 công ty California Surplus và FR-HQ. Kohanbash.

Sau khi hàng hóa giả mạo được sản xuất ở Trung Quốc, chúng được chuyển cho Kohanbash rồi sau đó nghi phạm mang phân phối những mặt hàng nhái này tới các nhà bán buôn. Quá trình làm giả khá tinh vi nhằm qua mặt khách hàng tin rằng đây là hàng sản xuất ở Mỹ.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, Kohanbash và đồng bọn được cho là đã “cung cấp, xem xét, phê duyệt hình ảnh, mô tả, mẫu mác và nhãn hiệu” để các sản phẩm giả trông như thật. Trong nhiều trường hợp, họ đã sao chép tên thương hiệu của các hãng sản xuất tại Mỹ sau đó đính lên sản phẩm giả.

Mặt khác, hầu hết các sản phẩm giả sản xuất tại Trung Quốc đều có chất lượng kém hoặc không thể so sánh với hàng thật. Các áo khoác parka giả cung cấp cho quân nhân không quân Mỹ đóng tại Afghanistan là một ví dụ,

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, loại áo này cần được may từ loại vải có tên “Multicam”. Đây là nguyên liệu sử dụng công nghệ quản lý cận hồng ngoại nhằm đảm bảo quân nhân mặc nó khó có thể bị dò ra. Tuy nhiên, những chiếc parka trên không có tính năng này. Hơn nữa, một số sản phẩm giả mạo khác còn rất dễ bắt lửa trong khi nhãn dán trên áo ghi rằng đây là sản phẩm “chống cháy vĩnh viễn”.

Theo quy định, mọi sản phẩm bán cho quân đội Mỹ và chính phủ phải được sản xuất tại Mỹ hoặc một số quốc gia khác, không bao gồm Trung Quốc.

Kohanbash dự kiến sẽ ra hầu tòa lần đầu vào giữa tháng sau.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok