Bầu Đức, bầu Hiển là 2 ông bầu nổi tiếng của bóng đá Việt Nam |
Một ngày trước lễ bốc thăm xếp lịch thi đấu V-League 2021, tại Quảng Ninh diễn ra cuộc họp nhằm giải cứu CLB Than Quảng Ninh. Cuối cùng không có bi kịch nào xảy ra, những cái gật đầu, những cái bắt tay đã đưa đội bóng Đất Mỏ trở lại đường đua trước thềm mùa giải mới.
Trước đó, lo ngại về màn sụp đổ ở sân Cẩm Phả đã lên tới cao trào khi đội không còn tiền trả lương và hàng loạt cầu thủ trụ cột vì cơm áo mà phải ra đi.
Từ lâu, Than Quảng Ninh vốn được biết đến là một đại gia của V-League, tiền bạc rủng rỉnh nên mua sắm cũng rất thoáng tay. Ấy vậy mà, việc rút lui của các nhà tài trợ đã khiến đại diện vùng Mỏ lao đao. Tới mức, nhiều cầu thủ chấp nhận không có tiền lót tay để lại cũng chẳng ai dám đứng ra quyết, bởi lẽ họ chưa biết ngày mai sẽ ra sao.
Nhìn cảnh Than Quảng Ninh hồi sinh chật vật sau cơn hoạn nạn, nhiều người chẳng thể vui nổi, nhất là khi HLV Phan Thanh Hùng đã ra đi. Nhưng xét tới tận gốc rễ vấn đề, đây không phải nỗi đau của riêng ai mà là nỗi đau của bóng đá Việt Nam. Tại sao lại nói như vậy?
V-League bước lên chuyên nghiệp đã tròn 20 năm. Tuy nhiên, các CLB - thành tố tạo nên giải đấu lại chưa thể tự chủ, nói cách khác chưa thể dùng bóng đá để nuôi bóng đá. Ngay cả Hà Nội FC, đội bóng được xây dựng căn cơ nhất cũng vẫn phải dựa vào nguồn tiền từ bầu Hiển. Tương tự, HAGL - đội bóng sở hữu sức hút lớn nhất cũng cần “bầu sữa” từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Rồi như CLB Thanh Hóa vài lần điêu đứng trong mấy năm trở lại đây vì thiếu tiền doanh nghiệp. Hay như bóng đá miền Tây, sau giai đoạn phát triển nóng giờ chỉ ngụp lặn ở hạng Nhì, hạng Nhất bởi thiếu tiền. CLB Khánh Hòa vốn tự hào là “con nhà nghèo học giỏi” nhưng không có tiền nên chẳng thể tái đầu tư và chưa biết bao giờ sẽ trở lại V-League.
Người viết tự đặt ra câu hỏi, liệu có đội bóng chuyên nghiệp nào tại Việt Nam có thể sống mà không cần dựa vào sự đầu tư của ông bầu hoặc ngân sách? Câu trả lời chắc chắn là không.
Chẳng quá khi nói rằng, trong hệ sinh thái bóng đá Việt Nam, các đội bóng giống như con bệnh nặng, cần sự trợ giúp của bình oxy - chính là nguồn tiền từ ông bầu để duy trì sự tồn tại. Cách làm này hàm chứa lắm rủi ro, bởi vận mệnh của cả đội bóng vốn là tài sản của địa phương, của đông đảo người hâm mộ lại nằm trong tay một hoặc một vài doanh nhân.
Nếu mọi chuyện cứ xuôi chèo mát mái thì chẳng có gì đáng nói. Tuy nhiên, khi xảy ra mâu thuẫn về mặt lợi ích hoặc cơ chế, doanh nghiệp hay ông bầu sẵn sàng rút bình oxy khỏi đội bóng bất lúc nào. Khi đó, số phận đội bóng đó như ngàn cân treo sợi tóc, nghĩ thôi cũng đã thấy cám cảnh.
Tác giả: Hàm Yên
Nguồn tin: Báo Giao thông