Pháp luật

Bất lực khi doanh nghiệp phá đường liên xã

Hàng trăm xe quá khổ, quá tải chở đất đá chạy trên tuyến đường liên xã mỗi ngày trước sự bất lực của cơ quan công an

Hậu quả là tuyến đường do Nhật tài trợ tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đang bị cày nát; người dân, chính quyền xã tiếc hùi hụi và kêu trời!

Một năm công khai phá đường

Những ngày đầu tháng 3-2016, chúng tôi có mặt tại tuyến đường TH 18 (nối liền các xã Khánh Sơn - Nam Phúc - Nam Cường, huyện Nam Đàn), tuyến đường nhựa dài khoảng 7 km do Nhật Bản tài trợ xây dựng, đang phải oằn mình chịu đựng những đoàn xe quá tải hoạt động.

Bám theo một đoàn xe tải chở đầy đất xuất phát từ một mỏ đất ở xã Khánh Sơn, chúng tôi mới thấy vì sao người dân ở đây khiếp đảm các hung thần chở đất đá này. Xe chở đầy đất không che chắn. Đường nhỏ, đông người đi lại nhưng tài xế vẫn phóng ầm ầm với tốc độ 50-60 km/giờ, xe chạy tới đâu bụi cuộn mù mịt tới đó. Mỗi lần thấy có xe tải chở đất, đá chạy trên đường thì lập tức mọi người phải dạt vào sát mép, nhường đường cho các hung thần này.

Trong khi đó, theo tìm hiểu từ tháng 3-2015 đến nay, chúng tôi thấy trên tuyến đường này xe tải chở hàng chục tấn hoạt động rầm rộ suốt ngày trong khi theo biển báo, đường này chỉ có tải trọng 10 tấn. Hậu quả, tuyến đường bị cày nát, nhiều nơi mặt đường bị bong tróc từng mảng lớn.

Chị Nguyễn Thị Hằng, trú xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, bức xúc: “Trước đây, tuyến đường nhựa phẳng lì, đi lại dễ dàng. Từ ngày các doanh nghiệp thi công cầu Yên Xuân, làm dự án chống lũ thì đường bị phá nát, nhiều đoạn đường ổ gà, ở voi, lầy lội đi không được”.

bat luc khi doanh nghiep pha duong lien xa
Đường có trọng tải 10 tấn nhưng mỗi ngày phải gồng mình cõng hàng trăm xe chở hàng chục tấn. Đáng nói, xe chạy tới đâu, dân sợ tới đó vì quá quy hiểm


Ông Phan Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn, cho biết ngày nào cũng có các xe tải chở đất đá, vật liệu xây dựng của các Công ty CP Xây dựng Tân Nam và Công ty TNHH Tân Hưng thi công dự án vùng ngập lũ, Công ty CP Tuấn Lộc thi công cầu Yên Xuân đi qua. Xe chở quá khổ, quá tải chạy nhiều nên mới hư hỏng nặng như vậy. “Xã đã nhiều lần yêu cầu các nhà thầu khắc phục nhưng không có kết quả” - ông Khánh thông tin. Ông cho biết thêm: Không chỉ cày nát đường, xe tải chở đất không che chắn gây bụi bẩn. Đợt nào dân phản ứng mạnh, mình nhắc nhở thì họ phủ bạt, tưới nước còn không thì thôi.

Ông Lê Văn Sỹ - Phó Phòng Công Thương huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - thông tin: “Tuyến đường do Nhật Bản tài trợ xây dựng, được đưa vào sử dụng từ năm 2005, bà con đi lại dễ dàng. Đường bị hư hỏng, xuống cấp như hiện nay là do xe chở đất đá, vật liệu xây dựng của các công ty CP Xây dựng Tân Nam, TNHH Tân Hưng và CP Tuấn Lộc gây nên”.

Biết nhưng bất lực (?)

Xe chở đất đá hoạt động công khai, tuyến đường bị cày nát, việc đi lại của người dân gặp khó khăn, nguy hiểm. Các ngành chức năng đều biết rõ nhưng không hiểu vì lý do gì mà suốt trong một thời gian dài không có biện pháp xử lý? Trả lời câu hỏi này, ông Phan Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Nam Phúc, giải thích: “Đường thuộc thẩm quyền quản lý của huyện, xe chở đất đá quá tải chạy trên đường, chúng tôi đều biết nhưng xã không có thẩm quyền chặn bắt, xử lý. Việc bắt xe, xử lý xe quá tải là của thanh tra giao thông, của công an”.

Đại tá Cao Tiến Mai, Trưởng Công an huyện Nam Đàn, thừa nhận: “Tình trạng xe quá tải chạy trên tuyến đường là có, công an huyện có biết, tuy nhiên do lực lượng mỏng nên không phải lúc nào chúng tôi cũng trực trên đường để xử lý được”.

Làm việc với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, cũng không giấu giếm: Tuyến đường hư hỏng là do xe quá tải chạy, đây là xe chở đất đá, vật liệu xây dựng thi công các dự án lớn trên địa bàn. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo bên công an huyện, các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý các xe chở quá khổ, quá tải” - ông Sơn thông tin.

Vậy tuyến đường do Nhật Bản tài trợ hiện bị hư hỏng nặng, ai sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa? Ông Sơn cho rằng sẽ làm việc với các doanh nghiệp liên quan để có hướng khắc phục. “Huyện sẽ mời các doanh nghiệp liên quan như Công ty CP Xây dựng Tân Nam, Công ty TNHH Tân Hưng và Công ty CP Tuấn Lộc lên làm việc, yêu cầu các đơn vị này bỏ kinh phí sửa chữa, khắc phục những đoạn đường bị hư hỏng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân” - ông Sơn khẳng định.

Đùn đẩy!

Ông Trần Ngọc Hà, phụ trách công trình cầu Yên Xuân của Công ty CP Tuấn Lộc, cho biết tuyến đường hư hỏng có một phần là do xe chở vật liệu của công ty. “Tuy nhiên, ngoài đơn vị chúng tôi thì còn xe của các công ty khác như Công ty CP Xây dựng Tân Nam, Công ty TNHH Tân Hưng cùng sử dụng tuyến đường này. Việc sửa chữa con đường không thể một mình chúng tôi đứng ra tự làm được mà các công ty khác cũng phải chịu trách nhiệm” - ông Hà đùn đẩy trách nhiệm.

Tác giả bài viết: Đức Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok