Khu vực chợ cóc tại mặt bằng 2125, phường Đông Vệ xả rác bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị. |
Mặt bằng khu dân cư Đồng Chộp, xã Đông Lĩnh (Đông Sơn), nay thuộc TP Thanh Hóa được quy hoạch với 260 lô đất. Tại Quyết định số 1776/QĐ-UBND ngày 30-5-2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt đàm phán hợp đồng, lựa chọn nhà có sử dụng đất khu dân cư Đồng Chộp, xã Đông Lĩnh, bên mời thầu là Trung tâm phát triển quỹ đất TP Thanh Hóa, đơn vị trúng thầu là Công ty Bắc Nam; tổng mức đầu tư dự án là 75.899.756.000 đồng. Trong quyết định cũng nêu rõ: “Nhà đầu tư phải xây dựng, hoàn thành đồng bộ các công trình thi công và nghiệm thu hiện hành bảo đảm các quy định về chất lượng công trình”.
Theo phản ánh của hàng chục hộ dân sinh sống tại đây, trong hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và các hộ, chủ đầu tư cũng cam kết sẽ hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi bàn giao cho người dân xây dựng nhà ở trong vòng 6 tháng. Vậy nhưng hiện nay, đã nhiều năm trôi qua nhưng những lời hứa hẹn vẫn chưa có “dấu hiệu” được triển khai. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, hệ thống cống thoát nước... vẫn chưa được hoàn thành. Người dân đã xây dựng nhà ở và sinh sống tại đây vẫn phải tự đi “mua” điện, nước tại các mặt bằng lân cận với giá cao, hoặc tự bỏ tiền đấu nối hạ tầng điện nước để sử dụng.
Anh Lê Văn C, người dân sinh sống tại khu dân cư Đồng Chộp, cho biết: Anh là một trong những hộ dân đầu tiên sinh sống tại mặt bằng này. Để có điện, nước sử dụng, các hộ dân ở đây “mạnh ai nấy làm”, thực hiện “kéo” điện từ các mặt bằng, các hộ dân cư ở các khu lân cận về sử dụng. Chờ đợi chủ đầu tư quá lâu, vừa qua, gia đình anh và một số hộ dân đã tự “kéo” điện tại huyện Đông Sơn và bỏ tiền xây dựng đường ống nước về sử dụng. Chị Lê Thị T.N cũng bức xúc, cho biết: Gia đình mua 2 lô đất tại mặt bằng này từ năm 2015. Không hoàn thiện hạ tầng, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên gia đình không thể làm thủ tục thế chấp vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, các thủ tục nhập khẩu, xin cho con đi học, sinh hoạt Đảng, đoàn thể đều gặp khó khăn. An ninh trật tự không bảo đảm.
Đó cũng là những gì tồn tại thuộc mặt bằng quy hoạch 08, phường Nam Ngạn. Sau khi chủ đầu tư là Công ty CP Kim loại màu Bắc Hà (trụ sở tại Hà Nội) tiến hành bán đất nền cho các hộ dân. Mặc dù, các hộ dân đã thanh toán đầy đủ số tiền trong hợp đồng mua bán đất và đã được Công ty CP Kim loại màu Bắc Hà bàn giao đất nhưng điều lạ là đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Theo tìm hiểu, hiện Công ty CP Kim loại màu Bắc Hà vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ về tài chính đối với mặt bằng quy hoạch 08 nên UBND TP Thanh Hóa chưa thể cấp trích lục tổng cho công ty để làm trích lục riêng cho từng hộ gia đình. Cũng là chủ đầu tư này, mức độ “chây ì” nghiêm trọng hơn ở mặt bằng 934, phường Đông Hải. Theo phản ánh của một số hộ dân, mặc dù đã nộp đủ 100% số tiền theo hợp đồng từ năm 2010, tuy nhiên đến nay, người dân vẫn chưa được bàn giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sự việc này đang gây bức xúc đối với hàng chục khách hàng “trót” thực hiện giao dịch với dự án này.
Chỉ cách khu đô thị Bình Minh vài trăm mét là mặt bằng quy hoạch 1876, phường Đông Hương. Tại đây được quy hoạch với 17 lô đất nền. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm kể từ khi trúng thầu, hạ tầng điện lưới, đường giao thông của khu dân cư vẫn chưa hoàn thiện. Còn đường nước mới chỉ hoàn thiện cách đây không lâu sau khi người dân phản ánh nhiều lần.
Tủ điện chỉ cách cửa nhà chưa đầy 2m, nhưng kể từ khi chuyển về sinh sống tại mặt bằng 1876, phường Đông Hương, gia đình anh Nguyễn Trọng Dũng phải tự đấu nối đường dây điện dài đến hơn 100m sang khu dân cư bên cạnh mới có điện để sinh hoạt. Ngay cả công tơ cũng là gia đình tự lắp, chứ không hề được trang bị trên hạ tầng sẵn có của khu đô thị và ký hợp đồng trực tiếp với Điện lực TP Thanh Hóa. Người dân sinh sống ở mặt bằng 1876, cho biết: Không thể chờ đợi, để có điện phục vụ sinh hoạt, từ năm 2016, một vài hộ xây dựng nhà ở trước đã bỏ ra khoảng 30 triệu đồng để tự trồng cột điện, sau đó kéo đường dây từ trạm biến áp của Bệnh viện Thanh Hà về dùng.
Đến năm 2018, khi khu biệt thự sát cạnh mặt bằng có điện lưới, các hộ gia đình lại kéo nhờ đường dây từ khu dân cư này sang để giảm thiểu tải điện trên đường dây cũ. Tuy nhiên, do phải sử dụng điện nhờ nên mức giá điện các hộ dân đang phải chịu là từ 2.700 đồng đến 3.000 đồng/kwh. Không những vậy, vào những thời gian cao điểm sử dụng điện, khu vực này thường xuyên xảy ra sự cố khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc. Quan sát của phóng viên, do hạ tầng thiết yếu chưa hoàn thiện nên tỷ lệ xây dựng nhà ở tại đây còn thưa thớt. Các lô đất còn lại hiện cỏ đã mọc um tùm, gây mất mỹ quan đô thị tại khu vực.
Cũng theo phản ánh của hàng chục hộ dân đang sinh sống tại mặt bằng 2125, Khu đô thị Nam TP Thanh Hóa, phường Đông Vệ, dự án trên đã đi vào hoạt động 5 năm nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống điện, nước sinh hoạt phục vụ cho người dân khiến cuộc sống của các hộ dân bị đảo lộn. Không những vậy, tại khu vực gần khu thể thao Sunsport, phường Đông Vệ, cách đây khoảng 2 đến 3 năm đã hình thành một khu chợ cóc với quy mô lớn. Chợ cóc này thu hút rất đông tiểu thương tìm về buôn bán; lúc cao điểm, số tiểu thương có thể lên đến vài trăm người. Nhiều hộ dân buôn bán cố định, căng ô bạt chiếm dụng từng ô đất. Ngoài rau, củ, quả, thịt lợn, gà... đã giết mổ, các tiểu thương còn buôn bán nhiều loại thủy, hải sản, gia cầm sống. Sau những buổi họp chợ, rác thải, nước thải bừa bãi khắp nơi gây ô nhiễm môi trường tại khu vực này.
Theo quy định tại Nghị định số 43/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đã nêu rõ điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền như: Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; bảo đảm cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải.
Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có). Việc “chây ì” trong hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, nghĩa vụ tài chính của một số chủ đầu tư đang khiến cuộc sống của người dân dang dở, đi không được mà ở cũng không xong. Thực trạng này đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành, các cấp có trách nhiệm để giải quyết dứt điểm tình trạng này, bảo đảm cuộc sống và quyền lợi cho người dân.
Tác giả: Minh Hằng
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử