Giải trí

Bảo Yến: 'Nhạc Vinh Sử chỉ dành cho người bình dân, ít học'

Trong khi nhiều người xưng tụng Vinh Sử là "ông vua nhạc sến" thì Bảo Yến đánh giá, nhạc sĩ sinh năm 1944 chỉ là người ăn theo, sáng tác không có sự chọn lọc, tinh tế.

Giọng ca Ở hai đầu nỗi nhớ trò chuyện với Zing.vn nhân dịp chị chuẩn bị ra Hà Nội tham gia đêm nhạc tôn vinh 3 nhạc sĩ cùng tên Phương: Trúc Phương, Lam Phương và Lê Uyên Phương. Nữ danh ca thẳng thắn trả lời mọi câu hỏi, với những thông tin có phần đụng chạm đồng nghiệp, chị nhấn mạnh: "Trước mắt người đó, tôi cũng nói chứ không phải nói sau lưng".

Bảo Yến trở lại sân khấu để tôn vinh 3 nhạc sĩ gạo cội dòng nhạc trữ tình.


Mệt mỏi với showbiz

- Cách đây hơn một năm, chị tuyên bố live show "Đường xưa" sẽ là lần cuối cùng chị gặp gỡ khán giả Hà Nội trước khi khóa điện thoại, khóa cửa để chuyên tâm tu hành. Nhưng tới đây, chị sẽ trở lại thủ đô trong đêm nhạc "Tình ca của Phương", nhiều người cho rằng “Bảo Yến phá lời thề”, chị nói gì?

- Tôi là người theo đạo Phật, tôi không nói dối. Nhiều người thắc mắc chuyện tôi vẫn đi hát dù tuyên bố giải nghệ. Thực ra là mọi người chưa đọc kỹ, trong một lần trả lời phỏng vấn, tôi đã nói rõ là đến năm 60 tuổi, tôi sẽ không đi hát xa nữa. Bây giờ, tôi mới có 59 tuổi, tôi còn một năm để hát.

Nhưng tôi cũng không nhận hát nhiều đâu. Ở Sài Gòn, tôi từ chối rất nhiều, Hà Nội cũng vậy. Đêm nhạc này là của 3 tác giả tôi rất quý mến và thấy mình thể hiện tốt, tôi mới nhận lời.

Đến năm 2018, tôi sẽ không đi hát ở đâu xa xôi nữa, chỉ nhận một số chương trình truyền hình, thu xong về. Và đến khi nào tôi thấy nhan sắc tệ và hát không còn hay nữa, tôi sẽ giải nghệ.

- Chị từng chia sẻ chuyện ăn chay trường, tụng kinh, gõ mõ. Vậy việc tham gia các chương trình âm nhạc có ảnh hưởng gì đến đời sống tu hành của chị?

- Tôi mệt mỏi với môi trường showbiz này. Không đi hát, đời sống của tôi như tiên vậy, an lạc, thoải mái nhưng cứ nhận sô là mệt. Chương trình thành công thì không sao, nếu thất bại là bầu sô lại than vãn. Nhận đi hát lại phải học lời, mình muốn hát bài này nhưng người ta lại muốn hát thêm bài kia.

Nói chung nghề này rất khổ cực, không sung sướng gì. Nhìn trên sân khấu, mọi người cứ tưởng phây phây nhưng không phải vậy. Mỗi lần nhận đi hát, tôi như mặt nước hồ thu, đang hạnh phúc thì bị vật gì đó rơi xuống. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị quần áo vì mặc trang phục cũ sao được. Tôi như bị phá vỡ sự thanh tịnh.

- Người trong nghề vẫn đồn rằng chị rất thẳng tính và sẵn sàng từ chối tham gia một đêm nhạc nếu phải đứng chung sân khấu với những nghệ sĩ mà chị không thích. Thực hư thế nào?

- Tôi luôn phải chọn chương trình. Những chương trình tạp nham, mỗi người hát 4 bài, hát bài nào thì hát, không có chủ đề, tôi không bao giờ nhận lời. Những ông bầu ham tiền, dụ khán giả, tôi cũng thẳng thừng từ chối. Người quen biết và tin tưởng nhưng mời những đêm nhạc không thích hợp, tôi cũng không nhận.

Tôi là người khó tính nhưng chính tôi làm khó mình chứ không phải tôi chỉ làm khó người ta. Dạo trước, ngoài Hà Nội mời tôi tham gia đêm nhạc Ngô Thụy Miên nhưng tôi không đi vì nhạc Ngô Thụy Miên, tôi hát được chứ không có đặc sắc.

Chương trình của nhạc sĩ nào mà tôi thấy mình hát hay nhất, tôi mới nhất lời như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trúc Phương, Lam Phương. Còn nếu đêm nhạc của Lê Dinh hay Vinh Sư thì thôi luôn, không phải ai tôi cũng hát. Tất nhiên, cũng có trường hợp vì những thành phần trong chương trình không phù hợp.

- Chị là một giọng ca bolero, tại sao chị lại từ chối hát nhạc Vinh Sử dù nhạc sĩ này được mệnh danh là “ông vua nhạc sến”?

- Tôi không coi Vinh Sử là ông vua nhạc bolero, vua phải là Trúc Phương, Lam Phương. Viết bolero không phải đơn giản, lời ca phải có chất văn. Mấy nhạc khác đến tôi cũng viết được dù có thể không hay nhưng bolero thì đến chồng tôi cũng còn chịu.

Muốn viết được những ca từ như thế phải sống qua đau khổ, dày dạn gió sương, phải chắt lọc để tinh tế. Nhạc của Vinh Sử với những lời như “Ước gì nhà mình chung vách, hai đứa mình thức trắng đêm nay” thì sao có thể gọi là vua.

Vinh Sử chỉ là người ăn theo, có mặt ông ấy ở đây tôi cũng nói chứ không phải nói sau lưng. Nhạc của Vinh Sử chỉ dành cho người bình dân, ít học. Nhạc gì cũng có người tiên phong, Bolero cũng thế, có người đẳng cấp, có người bình thường, không thể đánh đồng được, giống như ca sĩ cũng có hạng A, hạng B, hạng C, hạng D.

- Như chị nhấn mạnh, bolero phải dạn dày gió sương, phải đau khổ. Vậy có mâu thuẫn gì không khi một người nhận mình đã an nhiên nhưng vẫn hát về những nỗi đau?

Đường đời và đường đạo là hai con đường khác nhau. Đời như con sâu còn đạo như con bướm đã thoát xác. Thực tâm, tôi không muốn làm ca sĩ, tôi chỉ muốn làm một nhà sư. Nhưng thôi, trời đã giao phó mình làm ca sĩ thì mình phải làm.

Đêm nhạc có sự tham gia của Bảo Yến sẽ diễn ra vào lúc 20h, ngày 4/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: NVCC.


"Ai hám danh hám lợi chứ tôi không cần"

- Ngoài “vua nhạc sến”, trong làng nhạc Việt có nhiều danh xưng kêu như chuông như “ông hoàng nhạc bolero”, “nữ hoàng nhạc xưa”, “ông hoàng nhạc Việt”. Một số người khác lại được gọi là diva, divo. Bản thân chị không có danh xưng nào, chị lý giải sao về điều này?

- Tất cả danh xưng ông hoàng, bà chúa chỉ là phù du ảo ảnh, làm gì có thật. Con người sống 70 năm cũng như con muỗi sống 3 ngày. Con muỗi cũng cặp kè rồi sinh con đẻ cái, con muỗi tưởng đời mình dài lắm, ngờ đâu được vài ngày. Con người cũng vậy, lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái, sống 70 năm cứ tưởng dài năm. Mọi thứ qua nhanh như giấc mộng thôi. Tất cả đều là giả hết.

Ai hám danh chứ tôi không ham. Sống được nghìn năm còn lấy danh, lấy vị chứ sống 70 năm nhận danh xưng, danh hiệu làm gì. Mới ngày nào người ta bảo tôi, em là ca sĩ trẻ nhất mà giờ đã lên hàng sư tỷ. 20 năm nữa chắc chả còn ai biết Bảo Yến là ai. Con người ai rồi cũng phải ra đi, chỉ là sớm hay muộn, cứ hám danh vào người, chết có mang đi được không.

- Chị vẫn được biết đến là một người không ngại nói điều mình suy nghĩ. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng chị cực đoan, chị nghĩ sao?

- Người khéo nói thì hay được lòng bạn bè. Ngược lại với họ, tôi thích nói thật. Ai khen tôi xinh đẹp tôi lại không thích bằng người ta bảo “Hôm nay mặt Bảo Yến hơi già, chắc hẳn có điều gì lo nghĩ”. Cuộc đời giả dối quá nhiều rồi, nói dối nhau làm gì nữa. Người đời vốn tích lời đường mật nhưng tôi lập dị, người cứ nịnh hót, nói dối, tôi không tiếp chuyện.

- Sau ánh đèn sân khấu, cuộc sống của chị diễn ra như thế nào?

- Tôi không ló mặt ra đường. Tôi không đi siêu thị và cũng chẳng đi đâu cả. Nếu cần mua gì, tôi nhờ chồng con đi mua, tôi chỉ sang thăm bố mẹ. Không phải bây giờ mà từ ngày trước, tôi đã như thế rồi. Tôi không thích giao tiếp với người khác. Cuộc sống của tôi ẩn dật như một thiền sư, không có bạn trai, bạn gái gì hết cả.

Sớm chiều, tôi tụng kinh, gõ mõ không mành danh hiệu, tiền tài. Giờ tôi cũng có khoản tiền gửi ngân hàng rồi, không phải bươn chải đi hát kiếm tiền, một đêm 9 show nữa. Càng dấn thân vào đời, càng đau khổ, cứ ở nhà là vui nhất. Ngày hai bữa cơm đạm bạc, từ lâu tôi đã nói không với thịt, tôm, cá.

Với tôi, quá khứ đã đoạn tận, tương lai thì chưa đến. Giờ tôi chỉ muốn cạo trọc đầu để sống đời thanh bạch, không mơ ước cao sang, không muộn phiền lo âu. Kiếp này là kiếp người cuối cùng của tôi. Tôi sẽ chuyên tâm tu hành để giải thoát và quyết định giờ đi, ngày đi. Tôi cũng đang khuyên con cái tu hành, con trai đã bắt đầu chuyên tu, con gái thì buổi đực, buổi cái, tôi sẽ huấn luyện thêm.

Tác giả bài viết: Quang Đức

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok