Thế giới

Báo nước ngoài gọi tên Hà Nội là địa điểm lý tưởng cho cuộc gặp Mỹ-Triều

Tạp chí National Interest đánh giá, Hà Nội sẽ là địa điểm mang tính biểu tượng rất lớn, đáp ứng ba tiêu chí quan trọng cho một kết quả thành công cho Hội nghị Trump-Kim.

Tổng thống Trump có chuyến thăm đến Việt Nam tháng 11/2017.

Tạp chí National Interest dẫn bài viết của tác giả Vũ Minh Khương từ trường Chính sách công Lý Quang Diệu, đại học Quốc gia Singapore đánh giá, nếu được chọn một địa điểm lý tưởng nhất để tiến hành cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên thì đó chính là Hà Nội, Việt Nam.

Vào ngày 8/3/2018, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại một địa điểm và thời gian chưa xác định. Các phương tiện truyền thông gần như đều cho rằng có hai nơi để sự kiện chưa từng có này diễn ra: Khu vực phi quân sự liên Triều hoặc Bắc Kinh.

Theo tác giả, địa điểm diễn ra cuộc họp sẽ mang tính biểu tượng rất lớn và có thể là một bước đi chiến lược có giá trị cho cả hai bên. Do vậy, Hà Nội sẽ là một sự lựa chọn lý tưởng, đáp ứng ba tiêu chí quan trọng cho một kết quả thành công.

Đầu tiên, Việt Nam là quốc gia luôn thể hiện sự quan tâm nghiêm túc đối với tiến trình cải thiện cơ bản quan hệ Mỹ- Triều Tiên.

Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại đây sẽ gửi một thông điệp mang tính biểu tượng mạnh mẽ đến cộng đồng thế giới bởi chính Việt Nam và Mỹ cũng từng hòa giải những bất đồng trong quá khứ và tiến tới hợp tác như hiện tại.

"Hà Nội sẽ chỉ ra các bước chuẩn bị mà Triều Tiên cần phải làm để gia nhập cộng đồng thế giới", tác giả nhấn mạnh.

Thứ hai, bằng cách chọn Hà Nội làm địa điểm họp, Mỹ-Triều Tiên sẽ chứng minh rằng họ nghiêm túc về những thay đổi cơ bản trong chính sách mà cả hai dành cho nhau. Hà Nội cũng là một ví dụ thể hiện rõ ràng nhất về điều này.

Chỉ trong vài thập kỷ, quan hệ Mỹ-Việt Nam chính thức bình thường hóa, gác lại quá khứ để mở ra một chương mới trong lịch sử hai quốc gia, chuyển đổi từ thù địch sang hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau về nhiều lĩnh vực.

Người Mỹ giờ đây được chào đón ở Hà Nội, nơi đã trở thành một trung tâm trao đổi kinh tế, du lịch và tương tác văn hoá của Việt Nam ra thế giới.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ năm 1994 và bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995 đã có một tác động chuyển đổi đối với nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam.

Việt Nam hiện nay là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới, vươn lên từ một quốc gia còn nhiều khó khăn trong những năm 1980 để trở thành một nền kinh tế mở và sôi động.

Xuất khẩu của Việt Nam tăng gấp 200 lần trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến năm 2016 và đạt 213 tỷ USD vào năm 2017, trong đó 80% là hàng sản xuất, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm thị phần đáng kể.

Hơn nữa, Việt Nam đã vượt xa nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực, bao gồm Indonesia và Philippines, trên tổng giá trị hàng xuất khẩu sản xuất.

Cả Việt Nam và Mỹ đều nhất trí tăng cường hợp tác chiến lược và có những nỗ lực mạnh mẽ để làm sâu sắc hơn mối quan hệ của cả hai. Chuyến thăm lịch sử của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng vào tháng 3/2018 là một ví dụ đáng chú ý về cam kết này.

“Trong chiến tranh, các tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam để hỗ trợ các cuộc không kích. Nhưng hôm nay, chuyến thăm của họ là một biểu tượng chào mừng của tình bạn”, tác giả bài viết nhận xét.

Thứ ba, bằng việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội, Mỹ và Triều Tiên sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho cộng đồng quốc tế về cách tiếp cận mà họ dự định cải thiện quan hệ.

Việt Nam là một ví dụ mà Triều Tiên có thể xem xét áp dụng các chiến lược bình thường hóa quan hệ với Mỹ và thúc đẩy cải cách kinh tế của mình. Trong khi Hà Nội là một sự lựa chọn lý tưởng khi Mỹ và Triều Tiên xem xét các bước tiếp theo để biến Hội nghị Thượng đỉnh thành một tiến bộ đáng kể trong quan hệ của cả hai.

Nếu chọn cải cách và theo đuổi mở cửa thương mại, Bình Nhưỡng có thể sớm trở thành một trong những điểm đến đầu tư kinh tế mới nổi hấp dẫn nhất và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Thông qua kinh nghiệm gần đây của mình, Việt Nam có thể cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách Triều Tiên những lời khuyên về cách chuyển đổi từ một nền kinh tế độc lập và khép kín sang hội nhập nền kinh tế toàn cầu.

Sự thay đổi này dường như không dễ dàng, nhưng bây giờ là một cơ hội hiếm hoi để hy vọng về một Triều Tiên mở cửa và thịnh vượng.

Tất cả những ý tưởng trên cần được phía Mỹ và Triều Tiên đưa lên bàn thảo luận ngay lúc này, bao gồm cả một Hội nghị Thượng đỉnh do Hà Nội làm chủ nhà.

Tác giả: Quốc Vinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok