Giáo dục

Bạo lực tăng trong các trường phổ thông Nga

Các số liệu khảo sát của Viện thí nghiệm dự phòng hành vi phản xã hội của Đại học Nghiên cứu Quốc gia - Đại học Kinh tế Moskva cho thấy, chỉ có 30% học sinh trung học phổ thông chưa bao giờ bị hãm hại lâu dài và thậm tệ với tư cách nạn nhân, còn hơn một nửa số học sinh lớp 9-10 ít nhất là một lần đóng vai kẻ tấn công.

Đồng thời các chuyên gia lưu ý mối liên hệ gián tiếp của sự gia tăng bạo hành trong các trường phổ thông với luật phi hình sự hóa bạo lực trong gia đình ở Nga. Các nhà khảo sát đã phác họa một bức chân dung ước chừng của kẻ bạo hành – hoàn toàn không phải bao giờ hắn cũng là kẻ côn đồ khét tiếng nhất trong lớp học.

Tình trạng báo động

Từ đầu năm 2017 tại các trường phổ thông Nga, người ta đã ghi nhận được 12 vụ bạo lực cố ý sử dụng vũ khí nóng hay lạnh, làm chết 3 người và hơn 20 người thương vong.

Chỉ riêng trong năm này, đã xảy ra 4 vụ tấn công tại các trường phổ thông ở các thành phố nước Nga.

Hầu như bao giờ những kẻ tấn công cũng là những người trẻ mà không lâu trước các vụ bạo lực đã bị stress nghiêm trọng hay gặp phải một sự tổn thương nào đó. Gần 80% những kẻ tấn công có những ý nghĩ tự tử, và 70% từng là nạn nhân của các vụ quấy rối lâu dài và thậm tệ.

Đó là số liệu được trình bày tại hội thảo quốc tế “Những vấn đề dự phòng hành vi phản xã hội trong gia đình và nhà trường”.

Nạn quấy rối trong nhà trường phổ thông Nga là sự hãm hại được lặp đi lặp lại một cách có hệ thống, là sự bạo hành của số đông đối với một đứa trẻ. Những biểu hiện của nó có thể rất khác nhau: xúc phạm, hạ nhục trước mặt các bạn cùng lớp, dọa dẫm, hoặc ngược lại, xa lánh và coi thường. Thông thường, nếu quá trình hãm hại không được kiểm soát và ngăn chặn thì sự bạo hành bắt đầu được biểu hiện ở bạo lực thể chất và phá hoại đồ dùng cá nhân.

Các nhà khảo sát tách riêng ra một hiện tượng gọi là quấy rối trên mạng xã hội. Các thầy giáo thường phát hiện các bài viết trên mạng xã hội, trong đó một hoặc một số học sinh phổ thông bị hãm hại. Trở thành sự nhạo báng có thể là những tấm ảnh xấu và được chỉnh sửa, cũng như những lời dọa dẫm trực tiếp mang tính xúc phạm.

Đằng sau vấn nạn

Theo các nhà khảo sát, những kẻ bạo hành có thể là những đứa trẻ tin rằng đạt được mục đích dễ dàng hơn khi dọa nạt ai đó. Chúng thường không thông cảm với các nạn nhân của mình và khỏe mạnh hơn về thể lực. Các nhà khảo sát cho rằng các bé trai có thiên hướng bạo lực hơn: chúng hay nổi xung và dễ bị kích động.

“Trở thành kẻ bạo hành có thể là những đối tượng trẻ em khác nhau. Có những em từng là nạn nhân của bạo lực và nay trút giận lên đầu người khác. Có cả những em trong đầu đã hình thành khuôn mẫu hành vi chống đối xã hội: chúng hoàn toàn không coi những hành động như vậy là phản xã hội, mà ngược lại, chúng tin tưởng rằng đó là biểu hiện của lòng dũng cảm”, - ông Viktor Basyuk, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Giáo dục Nga giải thích.

Những kẻ bạo hành trẻ em thường có cảm giác không bị trừng trị, bà Dukhanina nói tiếp. Chúng có thể trút lên đầu các bạn cùng tuổi những khúc mắc của mình không được giải quyết, những mặc cảm.

Nhà tâm lý xã hội Natalya Varskaya lưu ý rằng việc phi hình sự hóa bạo lực trong gia đình có ảnh hưởng tiêu cực tới việc hình thành tâm lý trẻ vị thành niên.

Sự thiếu trách nhiệm về bạo lực trong gia đình được các em chuyển vào nhà trường. Như vậy, theo ý kiến chuyên gia, các em trở thành hoặc là nạn nhân của bạo lực, hoặc là kẻ gây ra bạo lực. Các em thường có khuynh hướng khép kín vì những xung đột gia đình và ngại kể về chúng. Hoặc xảy ra tình huống ngược lại: mô hình bạo lực được các em chuyển sang tập thể nơi các em sinh sống.

Tuy nhiên, các nhà tâm lý giáo dục quả quyết: thật sai lầm nếu ai đó cho rằng chỉ đối tượng của bạo lực mới trở thành nạn nhân của bạo lực. Khi trong lớp học, một em nào đó bị nhạo báng hay đánh đập thì cả những em chứng kiến cũng bị tổn thương. Thậm chí những kẻ gây ra bạo lực cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực của hành động do chính mình gây ra. Các chuyên gia nhận xét rằng ở những trẻ em gây bạo lực thường xuất hiện các trạng thái trầm uất và ý nghĩ tự sát.

Tác giả: Trần Hậu

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok