Bãi rác Hồ Bơ đang trong tình trạng quá tải. |
Mặc dù đầu năm 2014, UBND huyện Nông Cống đã đầu tư xây dựng hệ thống lò thiêu hủy rác (gồm 2 lò) theo công nghệ Nhật Bản với công suất gần 20 tấn/ngày/đêm tại bãi rác này, tuy nhiên đến nay số lượng rác thải không giảm, gây nên tình trạng quá tải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan, vệ sinh môi trường và đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực lân cận.
Bãi rác hồ Bơ được quy hoạch và đi vào hoạt động từ năm 2012, với tổng diện tích khoảng 8,3 ha, do Công ty cổ phần Xây dựng và quản lý giao thông công chính Nông Cống quản lý trực tiếp. Ban đầu, rác tập kết về đây được xử lý thủ công bằng hình thức chôn lấp, đã đáp ứng và xử lý cơ bản lượng rác thải được tập kết.
Tuy nhiên, sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, đến nay diện tích chôn lấp rác không còn, trong khi lò đốt cũng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu thực tế nên rác tại đây luôn trong tình trạng quá tải, ứ đọng, chồng chất ngày này qua ngày khác. Theo thống kê, hàng ngày có hơn 60 tấn rác được tập kết về đây, trong khi công suất tối đa của 2 lò đốt chỉ đáp ứng khoảng 20 tấn/ngày/đêm gây khó khăn cho công tác xử lý.
Hiện bãi rác có khoảng 5 công nhân làm việc thường xuyên cùng với một chiếc máy ủi và băng chuyền cỡ nhỏ. Tại đây không có nhà chứa rác và sân phơi. Việc thiếu trang thiết bị cộng với lò đốt rác công suất nhỏ là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng tồn đọng rác thải chưa được giải quyết kịp thời. Mặc dù, bãi rác hồ Bơ được quy hoạch tại điểm khá hợp lý, ngăn cách với khu dân cư bởi một dãy núi nhưng do tình trạng quá tải đang ở mức báo động nên không tránh khỏi ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực lân cận.
Ông Trần Mai Ánh, thôn Vũ Yên 1, thị trấn Nông Cống cho biết: Mặc dù cách bãi rác hơn gần 1km nhưng nhà tôi nằm ngay trục đường chính, hàng ngày có hàng chục xe chở rác đi qua, mùi hôi bay vào nhà, tạo điều kiện cho ruồi nhặng sinh sôi. Bên cạnh đó, lợi dụng lúc đêm khuya, nhiều đơn vị, cá nhân lén đổ rác trộm, gồm chất thải rắn, động vật chết, rơi vương vãi khắp đường làng, gây ô nhiễm môi trường.
Chị Đàm Thị Tuyết, thôn Vũ Yên 1 chia sẻ, tình trạng quá tải tại bãi chứa rác Hồ Bơ đã ở mức “báo động”. Nhiều hôm, chị đi qua thấy rác thải chất thành cồn. Tại khu vực 4 hồ chứa, rác nổi lềnh bềnh do chưa được xử lý, tạo điều kiện cho ruồi nhặng sinh sôi. Theo chị Tuyết, thời gian tới, nếu các cấp chính quyền không có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời, nguồn nước ngầm quanh khu vực bãi rác huyện Nông Cống sẽ bị ô nhiễm trầm trọng. Hiện nay, hơn 30 hộ trên địa bàn thôn Vũ Yên 1 đã có giếng nước khoan song các gia đình đều phải xây bể chứa nước mưa để sinh hoạt hằng ngày…
Ông Trần Văn Xuyên, Giám đốc điều hành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Xây dựng và quản lý giao thông công chính Nông Cống cho biết: Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại bãi rác, Công ty đã tăng cường thêm lao động cào rác ra các khu đất trống, tranh thủ trời nắng để phơi rác, qua đó tăng công suất đốt rác của lò đốt. Bên cạnh đó, công ty cũng thường xuyên phun thuốc khử mùi, thuốc diệt diệt ruồi, nhặng để đảm bảo vệ sinh môi trường… Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tạm thời, để giải quyết dứt điểm phải có phương án lâu dài như đầu tư thêm cơ sở vật chất, nhà chứa rác, sân phơi, băng tời, lò đốt rác công suất lớn…
Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Nông Cống được đánh giá là một trong những huyện điểm của tỉnh Thanh Hóa thực hiện khá tốt công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải. Hiện nay, 100% số xã (32/32 xã) đã có xe thu gom rác thải đến điểm tập kết tại bãi rác. Mặt khác, rác thải đang được thu gom, phân loại và xử lý ngay tại các hộ gia đình nên cũng giảm bớt lượng rác tập kết về bãi chứa. Nhưng do là bãi rác duy nhất trên địa bàn huyện, được xây dựng và quy hoạch đã lâu nên hiện tại bãi chứa rác hồ Bơ đang trong tình trạng quá tải so với nhu cầu thực tế.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng cho biết, UBND huyện Nông Cống đã kiến nghị với UBND tỉnh tiến hành thẩm định và trong năm 2018 sẽ đầu tư thêm 2 lò đốt rác mới để giải quyết cơ bản tình trạng ứ đọng rác như hiện nay. Thời gian tới, cùng với huy động nguồn vốn từ xã hội hóa, huyện rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm và có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư lò đốt rác.
Tác giả: Khiếu Tư
Nguồn tin: Báo Tin tức