Công nhân Công ty TNHH MTV Sông Chu kiểm tra hệ thống nâng cửa tràn. |
Các hồ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc tích trữ nước tại các hồ luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão, khi xảy ra thiên tai, mực nước vượt quá mức thiết kế, các hồ chứa phải tiến hành xả lũ, nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân và diện tích sản xuất nông nghiệp. Điều này giúp cắt, giảm lũ cho các địa phương vùng thượng nguồn, song lại ảnh hưởng đến vùng hạ du.
Do vậy, để công tác xả lũ diễn ra thuận lợi, an toàn trong mùa mưa bão năm nay, các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, vận hành các hồ chứa đã xây dựng phương án phòng, chống lụt bão cho từng công trình hồ chứa theo quy định; lập phương án phòng, chống lụt bão và phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đập cho từng công trình thủy, trong đó chú trọng đến phương án xả lũ an toàn.
Hồ chứa nước Yên Mỹ có nhiệm vụ tưới chủ động cho 5.840 ha đất canh tác thuộc 18 xã phía Bắc huyện Tĩnh Gia và Nông trường Yên Mỹ; cấp nước cho Khu Kinh tế Nghi Sơn, với công suất 55.000 m3/ngày đêm; cắt 50% lượng lũ của sông Thị Long với tần suất P = 1%. Để bảo đảm an toàn công trình, an toàn sản xuất, an toàn dân sinh, kinh tế vùng hạ du trong mùa mưa bão năm nay, Công ty TNHH MTV Sông Chu đã lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du hồ Yên Mỹ năm 2018.
Theo đó, công ty đã căn cứ vào tình hình thực tiễn; các tài liệu thống kê, điều tra về vết lũ, mức độ ngập lụt thực tế đã xảy ra; phương án sơ tán dân cư của địa phương để xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du hồ Yên Mỹ năm 2018. Trong phương án, công ty đã đưa ra dự kiến 3 tình huống xem xét để xây dựng phương án xả lũ, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Bên cạnh đó, công ty còn đưa ra phương án dự phòng, như: Trong trường hợp xả lũ qua tràn chủ đập phải báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về việc xả lũ và thông báo cho chính quyền các địa phương trước 4 giờ để nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng di dời đến vị trí an toàn, không hoạt động thuyền bè trên sông. Chính quyền các địa phương tổ chức tuần tra, canh gác các tuyến đê, chú ý các đoạn đê xung yếu, chủ động đóng các cống tiêu dưới đê ngăn lũ không cho nước chảy vào nội đê, phát hiện các sự cố nguy hiểm, kịp thời báo cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp để có biện pháp xử lý, tránh trường hợp gây ra vỡ đê.
Hồ Sông Mực được giao cho Công ty TNHH MTV Sông Chu quản lý và khai thác, có nhiệm vụ tưới cho 11.344 ha diện tích đất canh tác của 2 huyện Như Thanh và Nông Cống, cắt giảm lũ với tần suất P = 0,5%. Là hồ có lượng nước tích trữ lớn, đảm nhiệm tưới cho nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc, khi thực hiện xả lũ, quy mô ảnh hưởng lớn.
Do vậy, để công tác phòng, chống lụt bão nói chung và xả lũ nói riêng bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm nay, ngay từ quý I - 2018, Công ty TNHH MTV Sông Chu đã chủ động xây dựng các phương án phòng, chống lụt bão và phương án xả lũ an toàn cho hồ. Theo đó, trên cơ sở phân tích, tính toán các số liệu đo dòng chảy của các trạm đo, các đặc trưng lưu vực mà tuyến đầu mối công trình khống chế và căn cứ vào dự báo dòng chảy đến mùa lũ năm 2018 tại các trạm đo... Công ty TNHH MTV Sông Chu đã xây dựng giả thiết các tình huống có thể xảy ra và biện pháp xử lý. Đối với tình huống mực nước hồ dâng cao đến cao trình trên +33.0m và đến cao trình +38.26m, đơn vị quản lý sẽ thực hiện kiểm tra, dọn thông thoáng lòng tràn; kiểm tra, chuẩn bị đủ điều kiện để có thể vận hành cửa van khi cần.
Đồng thời, sẵn sàng thực hiện phương án xả tràn theo quy trình đảm bảo ổn định cho công trình và phòng lũ hạ du. Trong trường hợp mưa, lũ vẫn tiếp tục xảy ra, vượt tần suất, có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình như có nguy cơ tràn, vỡ đập hoặc xả tràn sự cố với lưu lượng lớn, thông báo cho nhân dân trong hành lang thoát lũ, khu vực dọc Khe Rồng và thượng nguồn sông Yên di dời ngay lên các gò đất cao hay các chân núi gần nhất để tránh lũ. Trường hợp có nguy cơ đến an toàn của công trình ảnh hưởng đến vùng hạ du thì sẽ tổ chức thực hiện di rời người và tài sản theo quyết định của Trưởng ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Trước khi thực hiện công tác di rời, chính quyền các xã sẽ thực hiện thông báo khẩn cấp cho nhân dân.
Nhìn chung, việc lập phương án phòng, chống lụt bão và phòng, chống lũ lụt vùng hạ du cho các công trình hồ đập, nhất là các công trình hồ đập lớn trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được hoàn thành, các tình huống cụ thể về việc xả lũ đã được các đơn vị quản lý xây dựng phương án ứng phó kịp thời. Điều này nhằm hạn chế tối đa thiệt hại khi phải thực hiện công tác xả lũ.
Tác giả: Hương Thơm
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử