Kinh tế

Bảo đảm quyền lợi cho người lao động tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp

Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng, Thanh Hóa đã hình thành và phát triển được 8 khu công nghiệp (Bãi Trành, Thạch Quảng, Lam Sơn - Sao Vàng, Đình Hương - Tây Bắc Ga, Hoàng Long, Lễ Môn, Ngọc Lặc, Bỉm Sơn) và Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn.

Hiện tại KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KCN) đã thu hút được gần 500 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Khoảng 78.000 công nhân, người lao động được tạo việc làm ổn định bởi số lượng doanh nghiệp, dự án nói trên. Tuy nhiên, nhiều năm qua, không phải doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án nào cũng quan tâm đến các quyền lợi cho người lao động như: Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các nhu cầu thiết yếu khác.

Công nhân Công ty Giầy Sunjade (Khu Công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa) được bảo đảm cơ bản các quyền lợi về bảo hiểm, tiền lương.

Tính riêng các doanh nghiệp tại KKT Nghi Sơn đã có hơn 20.200 lao động, trong đó 72% là lao động nữ, thường liên quan đến vấn đề thai sản, ốm đau... Hàng chục nghìn lao động còn lại tham gia lao động tại các KCN khác trên địa bàn tỉnh, trong đó 81% là nữ. Tuy nhiên, trong tất cả các lao động nói trên, nhiều lao động chỉ làm việc theo thời vụ trong khoảng thời gian dưới 12 tháng (KKT Nghi Sơn có 23% tổng số lao động; các KCN có 7% tổng số lao động). Đây là những đối tượng lao động dễ bị thiệt thòi bởi chủ doanh nghiệp, dự án không quan tâm bảo đảm đầy đủ quyền lợi theo các quy định.

Trên thực tế, nhiều năm qua, vẫn còn một số doanh nghiệp để xảy ra tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn. Trong quá trình hoạt động, Ban Quản lý, công đoàn KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh đã có sự đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, việc cập nhật các thông tin này để kịp thời nhắc nhở, giải quyết lại gặp khó khăn bởi cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa mới là đơn vị đầu mối nắm tường tận các thông tin đến việc doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động thực hiện quyền lợi bảo hiểm cho người lao động đến đâu.

Nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, trong tháng 7 - 2018 vừa qua, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh đã làm việc, ký kết “Chương trình phối hợp thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, giai đoạn 2018 - 2020” với Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp, nắm tình hình, trao đổi nắm bắt thông tin về việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng lao động, mua bảo hiểm cho người lao động của các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Cùng vận động, đôn đốc các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trốn đóng, còn nợ đọng các hình thức bảo hiểm cho người lao động phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định. Những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, hoặc chính người lao động trong việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm sẽ được hai đơn vị cùng nhau phối hợp giải quyết. Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa đã giao Phòng Khai thác và Thu nợ; Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN cũng giao Phòng Quản lý doanh nghiệp và lao động làm đầu mối phối hợp để theo dõi, đánh giá, sơ kết định kỳ 6 tháng về vấn đề này, bảo đảm an sinh, bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động.

Ngoài các quyền lợi về bảo hiểm cho công nhân, người lao động, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN còn quan tâm đến việc thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp. Ban đã mời lãnh đạo các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại KKT Nghi Sơn và một số KCN, tổ chức các hội nghị tuyên truyền, ký cam kết thực hiện giải pháp an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể của doanh nghiệp. Trong tháng 5 - 2018 vừa qua, hàng chục doanh nghiệp đã ký cam kết với Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN về các vấn đề này, trong đó có các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như: Công ty TNHH Giầy Anora Việt Nam, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn... Được biết, Công ty TNHH Giầy Anora Việt Nam (tại KKT Nghi Sơn) hiện có tới 14.000 lao động. Ông Tôn Quốc Tiên, Giám đốc Bộ phận an toàn lao động của công ty này cho biết: Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức an toàn cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Phương châm của chúng tôi là làm cho công nhân tự ý thức “được an toàn” chứ không phải “bị thúc đẩy phải an toàn”. Công ty chúng tôi còn có cơ chế thưởng cho những công nhân phát hiện ra những chi tiết máy móc không an toàn và chủ động báo lên ban lãnh đạo.

Rõ ràng, quyền lợi của người lao động tại KKT Nghi Sơn và các KCN trong tỉnh đang ngày được quan tâm, chú trọng. Một khi người lao động yên tâm sản xuất, được quan tâm đến các chế độ theo quy định của pháp luật, chính là động lực để họ cống hiến, góp phần phát triển doanh nghiệp, cũng như sự phát triển chung của sản xuất công nghiệp tỉnh nhà.

Tác giả: Linh Trường

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok