Trong tỉnh

Bảng gỗ kẹp vé xe buýt có là hung khí nguy hiểm?

Sau vụ xô xát trên xe buýt, cơ quan chức năng ở Thanh Hóa đã khởi tố bị can đối với anh Vũ Xuân Thủy vì cho rằng bảng gỗ kẹp vé xe buýt mà nhân viên bán vé xe của công ty Hoa Dũng là hung khí nguy hiểm.

Từ việc xô xát nhỏ…

Theo phản ánh của anh Vũ Xuân Thủy (SN 1991, trú tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), sự việc xảy ra ngày 25/5/2017, trên chuyến xe buýt số 05, BKS 36M- 2482, tuyến TP. Thanh Hóa đi Bỉm Sơn. Khi xe đi đến trường THPT Hàm Rồng thì anh Sơn lên xe (gần bến xe phía Bắc cũ, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa).

“Lúc này trên xe có khoảng 30 người và vẫn còn một ghế trống, thấy vậy, em bảo anh Sơn xuống ngồi nhưng anh Sơn không nghe còn nói lời thách thức, anh Sơn đứng ngay cửa lên xuống.

Sau nhiều lần nhắc nhở, một lúc sau anh Sơn đi vào giữ xe và bất ngờ quay lại đấm vào mặt em”, anh Thủy trình bày. Sau khi bị Đấm, anh Thủy nói mình hoàn toàn bất ngờ và phản xạ tự nhiên là ném bảng kẹp vé xe buýt về phía Sơn: “Khi bị đánh, em bất ngờ quá nên đã ném bảng kẹp vé đang cầm trên tay ném vào người anh Sơn.

Bảng kẹp vé xe buýt bằng gỗ khi Thủy dùng để ném về phía Sơn trong lúc bị đánh.

Ngay sau khi bị phản ứng anh Sơn cúi xuống nhặt bảng kẹp vé ném lại vào người em nhưng bị trượt và trúng vào người hành khách”. “Hành khách trên xe phản ứng và yêu cầu báo công an nhốt Sơn lại, ngay sau đó Sơn thấy có người xuống xe nên xuống theo.

Thấy Sơn xuống xe, em sợ Sơn ném gạch đá vào xe phải đền nên đã xuống theo nhưng ngay lập tức bị anh Sơn cầm gậy lùa đánh nên em vội vàng lên xe”, Thủy nhớ lại. Sau khi xảy ra vụ đánh nhau, Thủy xuống xe điểm gần đó để về nhà, phòng trừ trường hợp Sơn cho người đuối đánh. “Sau vụ việc cháu có gọi điện xin lỗi Sơn nhưng Sơn không đồng ý với lời xin lỗi của em. Bố em cũng gọi điện xin lỗi nhưng anh Sơn nói tao muốn chém chết con mày, từ đó đến nay em không dám ra khỏi nhà và cũng nghỉ làm luôn”, Thủy nói.

Việc bé “xé” thành to?

Vụ việc xảy ra không bao lâu thì cơ quan cảnh sát điều tra, công an Tp Thanh Hóa đã triệu tập Thủy, Sơn và những người liên quan lên làm việc. Sau quá trình điều tra, ngày 10/7, công an Tp Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Xuân Thủy.

Thủy bị khởi tố và bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung “dùng hung khí nguy hiểm”. Ngày 11/7/2017 viện kiểm sát nhân dân TP Thanh Hóa ra quyết định 378/QĐ-KSĐT phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Xuân Thủy.

Trao đổi với phóng viên, đại diện viện kiểm sát nhân dân Thành phố Thanh Hóa cho biết có xảy ra sự việc xô xát giữa nhân viên soát vé xe buýt Vũ Xuân Thủy và Sơn. Khi xảy ra sự việc Thủy có đang cầm bảng kẹp vé xe buýt, rất cứng và đã được chúng tôi mang về để trình lãnh đạo xem có xác định đó có là hung khí hay không. Trong lời khai ban đầu, Thủy nhận có sự việc như trình bày trong đơn, ngoài ra có nhân chứng là lái xe buýt.

Quá trình phê chuẩn, chúng tôi dựa vào đơn tố cáo của bị hại có thương tích đã được sơ cứu tại bệnh viện đa khoa Bỉm Sơn, lời khai nhân chứng và khai nhận của đối tượng.

Quyết định khởi tố bị can của công an Thành phố Thanh Hóa.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Tú - kiểm sát viên phụ trách vụ án (Viện kiểm sát nhân dân Tp Thanh Hóa) nhận định nếu đối tượng Thủy chỉ đánh trong tình trạng phản xạ thì không thể để lại thương tích 10% được (bị hại bị rách một vết dài 4cm trên đỉnh đầu) “Bảng kẹp vé xe buýt được xác định là hung khí nguy hiểm, công ty Hoa Dũng cũng cung cấp cho chúng tôi mẫu tương tự tang vật vụ án”, đại diện viện kiểm sát cho biết.

"Trong trường hợp này, chúng tôi đủ chứng cứ để phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của cơ quan cảnh sát điều tra, công an TP Thanh Hóa, bởi đơn tố cáo của bị hại, lời khai đối tượng và lời khai của nhân chứng hoàn toàn phù hợp", bà Tú nói.

Về phía công ty TNHH Hoa Dũng, kế toán trưởng công ty nhận xét, Vũ Xuân Thủy là nhân viên luôn chấp hành mọi quy định của công ty và chưa có lần nào xảy ra xô xát với hành khách. Sau khi xảy ra sự việc Thủy có báo cáo lại với công ty và cơ quan công an cũng đã đến công ty để làm việc về sự việc trên. Khởi tố có căn cứ vào pháp luật hay không?

Cũng theo hồ sơ bệnh án của Nguyễn Trường Sơn thì khoảng 17 giờ ngày 25/5/2017 Sơn vào bệnh viện đa khoa Bỉm Sơn để cấp cứu về vết thương trên đỉnh đầu. Tại đây Sơn đã được các bác sĩ lau, rửa và khâu vết thương.

Vết thương của Sơn dài khoảng 4cm, có chảy máu nên được các bác sĩ khâu và băng vết thương lại. Không yêu cầu chụp CT.

Sau một giờ nhập viện Sơn đã xin ra viện, lúc này tình trạng sức khỏe của Sơn bình thường, Sơn còn tự tay viết và ký cam kết khi ra viện.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên, Luật sư Cao Bá Trung – Giám đốc Công ty Luật CABAS cho biết: Theo quy định tại tiểu mục 3.1, mục 3 của Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán –TANDTC thì "Dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”.

Theo quy định tại Tiểu Mục 2.1 và 2.2 của Phần I Nghị Quyết số 02/2003/NQ-HĐTP thì “hung khí nguy hiểm” gồm có “vũ khí” và “phương tiện nguy hiểm”.

Vật để kẹp vé xe buýt bằng gỗ không phải vũ khí mà đó chỉ là “công cụ, dụng cụ” được chế tạo ra để phục vụ cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt”.

Tuy nhiên, công cụ, dụng cụ mà được coi là “phương tiện nguy hiểm” theo như Nghị Quyết số 02/2003/NĐ-HĐTP bao gồm búa đinh, dao phay, các loại dao sắc nhọn... Vật để kẹp vé xe buýt bằng gỗ, không sắc nhọn, việc sử dụng để tấn công cũng khó gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe con người vì vậy nếu có đó là “phương tiện nguy hiểm” thì không đủ cơ sở pháp lý.

Tác giả: Thảo Nhi - Thế Vinh

Nguồn tin: Báo Pháp luật plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok