Trong nước

Bàn về lợi ích nhóm từ vụ Phan Văn Anh Vũ

Hàng loạt cán bộ cao cấp bị khởi tố liên quan đến 'Vũ nhôm' cho thấy sự nguy hại của hành vi bắt tay lũng đoạn chính sách nhằm trục lợi của nhóm lợi ích.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các cán bộ cao cấp trong ngành công an và thành phố Đà Nẵng có liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ tức 'Vũ nhôm' là diễn biến tiếp theo sau hơn 4 tháng kể từ ngày nhân vật này bị bắt và điều tra.

Việc hàng loạt cán bộ cao cấp bị khởi tố liên quan đến 'Vũ nhôm' cho thấy, sự nguy hại của hành vi bắt tay lũng đoạn chính sách nhằm trục lợi của nhóm lợi ích.

Phan Văn Anh Vũ khi chưa bị khởi tố.

Thông tin cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố một loạt cựu quan chức và cán bộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, trong đó có ông Phan Vũ Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 5, Bộ Công an và các ông Trần Văn Minh ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng vẫn đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Dư luận cả nước cũng cho rằng vụ án này cũng chính là sự giải mã cái 'bắt tay' không trong sáng giữa những người trong bộ máy công quyền với những kẻ đội lốt doanh nhân, doanh nghiệp mà hoạt động như một 'mafia kinh tế'.

Theo GS kinh tế Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT quá trình thâu tóm tài sản quốc dân, lũng đoạn chính sách hình thành nên lợi ích nhóm đã dần lộ diện.

“Tôi cho rằng vụ 'Vũ nhôm' với sai phạm trong việc bán tài sản công, giao đất với giá thấp hơn giá thị trường nhiều lần xảy ra tại Đà Nẵng mà do hai nguyên chủ tịch thực hiện thể hiện đúng với quy luật, nếu chúng ta còn cho phép UBND cấp tỉnh được giao đất cho một nhà đầu tư chỉ định hoặc được bán tài sản công cho một người mua được chỉ định thì luôn luôn thể hiện lợi ích mà trong đó có chi phí mang tính tham nhũng”- Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.

Đáng chú ý là các hành vi cấu kết, vi phạm kéo dài trong nhiều năm với nhiều hiện tượng tiêu cực nhưng chỉ được phát hiện sau khi nhiều đương sự là lãnh đạo cao cấp đã về hưu gây ra nhiều hậu quả. Đó là Nhà nước thiệt hại về tài sản, mất mát cán bộ và làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính minh bạch của chính sách cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Niềm tin của nhà đầu tư và người dân giảm sút. Thiệt hại về vật chất có thể tính toán được, thiệt hại về niềm tin là rất khó đong đếm.

Vấn đề lúc này là làm thế nào có thể xóa bỏ được quan hệ thân hữu, xóa bỏ tư tưởng quan hệ tốt với chính quyền có thể tiếp cận tốt hơn các tài nguyên đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khám xét nhà ông Trần Văn Minh (ảnh: Thanh Hà)

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là hiện tượng quyền lực đang bị thương mại hóa nhằm mang lại lợi ích cho một nhóm nào đó. Vì vậy mấu chốt ở đây là kiểm soát quyền lực.

“Mấu chốt ở đây là phải kiểm soát quyền lực và vấn đề kiểm soát quyền lực có vấn đề như công khai minh bạch và quan trọng hơn nữa là trách nhiệm giải trình. Về công khai minh bạch chúng ta chỉ có quy định chung chung chứ còn công khai minh bạch từng bữa ăn, từng biên lai chúng ta chưa có. Bên cạnh đó, phải công khai minh bạch từng quyết định, ai quyết định cái gì, đưa lên mạng ngay lập tức. Ngoài ra, phải công khai minh bạch tài sản là lương của anh có từng ấy, tại sao anh mua được cái nhà to thế, tại sao vợ con anh lại có tài sản như thế, tại sao lại đi nước ngoài nhiều như vậy. Tất cả các điều đó cần thực hiện”- TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Chỉ khi nào hệ thống quyền lực, hệ thống chính trị xã hội nghiêm minh, minh bạch công khai mới xóa bỏ dần các nhóm lợi ích.

Đó cũng là ý kiến của ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội: “Phải chọn việc để làm. Thân hữu ở chỗ nào hiện nay đang phổ biến. Thân hữu chỗ nào gây tai hại đất nước nhất thì chúng ta phải làm. Bên cạnh đó, là xử lý nghiêm minh, đồng thời phải khen thưởng những người làm ăn tốt. Tức là chúng ta làm nhiều bóng hồng lên thì bóng xám nó mới giảm đi. Cuối cùng chốt lại là người lãnh đạo phải gương mẫu. Từng cơ quan, từng bộ, ngành phải gương mẫu thì mới xóa bỏ được nhóm lợi ích”.

Trở lại lợi ích nhóm làm hàng loạt cán bộ cao cấp bị khởi tố trong vụ Phan Văn Anh Vũ thấy rằng, xử lý những người vi phạm là cần thiết nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật tạo ra sự răn đe và lấy lại niềm tin của người dân.

Bên cạnh đó Đảng, Nhà nước cũng cần rà soát chặt chẽ nghiêm túc về những lỗ hổng trong cơ chế chính sách, công tác cán bộ, thanh tra, kiểm tra, khiếu nại tố cáo,… góp phần xây dựng bộ máy công quyền trong sạch, liêm chính./.

Tác giả: Thu Thảo- Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok