Mới đi vào hoạt động, nhưng theo quan sát của chúng tôi, bãi biển Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) khá thoáng mát, nước trong, bãi tắm có độ thoải rộng nên rất tiện cho không chỉ người lớn mà cả trẻ em tắm. Có lẽ vì vậy mà thời điểm này bãi biển Hải Hòa khá đông du khách và người dân thập phương về nghỉ và tắm biển.
Quang cảnh biển Hải Hòa nhìn từ trên cao. Ảnh Dân trí. |
Nhiều hoạt động vui chơi trên biển cũng được đầu tư kinh doanh như nhà phao, ca nô…Thế nhưng điều quan trọng nhất khi xuống biển tắm là bảo đảm an toàn thì dường như ít ai để ý.
“Thực ra ở bãi tắm này cũng sạch và thoáng, giá cả cũng hợp lý, mà mình thấy rất đông người đến tắm thì mình hay rủ bạn bè đến đây, chứ thực sự cũng không để ý xem bãi tắm có đảm bảo an toàn hay không, vì mình nghĩ cái đó chính quyền họ phải có trách nhiệm quản lý rồi chứ”, chị Nguyễn Thị Thanh, huyện Nông Cống đi tắm biển ở đây nói.
Khoảng 17h30' ngày 11/7, tại bãi biển xã Hải Hòa, 2 nhóm du khách (8 người) đang ôm phao tắm biển thì bị sóng cuốn ra xa bờ hàng trăm mét, không thể bơi vào khiến 1 người chết. |
Không có đường ranh giới cảnh báo khu vực an toàn; không có hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác cảnh báo, cứu hộ cứu nạn; không có xuồng cứu sinh đảm bảo chất lượng và đáp ứng công tác cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp khi có sự cố xảy ra; không có trạm quan sát cứu hộ cứu nạn …
Người dân ở đây gọi Hải Hòa là bãi tắm nhiều "không" nhất. Không đảm bảo an toàn thì đương nhiên dễ xảy ra tai nạn.
Đại tá Lê Văn Cửu, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Thanh Hóa hôm qua cũng có mặt tại bãi biển này để chỉ đạo tìm kiếm người mất tích do bị sóng biển cuốn trôi, ông lắc đầu ngao ngán khi cho rằng, bãi tắm không đảm bảo an toàn là thể hiện sự tắc trách của chính quyền địa phương.
“Về phía an toàn thì phải có tháp quan sát, ở đây hệ thống báo động chưa, chính quyền không quan tâm nhiều lắm, tôi thấy cần phải tổ chức cứu hộ cứu nạn vì khách đông quá chúng tôi làm thôi chứ cũng chẳng ai bảo. Bãi tắm phải có dây căng an toàn, thời gian tắm, điều kiện môi trường, chòi canh, quy định nhiều thứ lắm chứ ở ta bây giờ các bãi biển mọc lên cứ ào ào làm ấy mà, không chặt nên tính mạng khách du lịch”, Đại tá Lê Văn Cửu nêu ý kiến.
Tại sao những việc tưởng chừng như đơn giản, là căng giây cảnh báo an toàn; cử người theo dõi cảnh báo cứu hộ…mà địa phương không làm được? Ông Lê Thế Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện thừa nhận, bãi tắm Hải Hòa chưa đảm bảo điều kiện an toàn và hứa sẽ chỉ đạo khắc phục.
“Đúng là bãi Hải Hòa hiện nay đang còn bất cập lắm, đúng là như thế, chúng tôi cũng biết vấn đề đó, hiện nay đang khắc phục. Đội tuần tra cảnh giới ở đây thì có, nhưng đúng chòi canh thì chưa có. Không phải “mất bò mới lo làm chuồng” nhưng mà hiện nay chúng tôi đang giao cho xã làm…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia phân trần.
Rõ ràng, chính quyền địa phương và ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa thì biết rõ về sự thiếu an toàn này nhưng không hiểu vì lý do vẫn chưa thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.
Dẫu biết rằng việc mỗi ngày có hàng nghìn người đến tắm sẽ đem lại cho địa phương nguồn thu lớn, nhưng có đáng đánh đổi không khi thỉnh thoảng lại có người chết đuối.
Ở Thanh Hóa thì đây không phải là bãi tắm biển duy nhất chưa đủ điều kiện an toàn. Vì sao ngành chức năng vẫn lỏng lẻo trong quản lý? Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến quý vị về vấn đề này./.
Tác giả: Sỹ Đức
Nguồn tin: Báo VOV