Trong nước

Bác Sáu Khải bình dị của bà con Tân Thông Hội

“Bác Khải đi đôi dép chẳng biết bao lâu rồi, thấy bác đi miết. Cái xe ô tô cơ quan cấp, bác đi chắc tầm hơn mười năm rồi. Bác cắt tóc ở cái tiệm đầu ngõ, có 30.000 hà! Tui nói, không xem ti vi, đố mấy người biết bác Khải là nguyên Thủ tướng”

Chúng tôi tìm về quê hương Tân Thông Hội nơi chôn nhau cắt rốn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Khi hỏi về ông, người dân Tân Thông Hội đều chỉ chính xác cái tiệm hớt tóc bình dân nơi ông hay đến; chiếc xe cũ ông hay đi và nhiều lắm hình ảnh về bác Sáu Khải nông dân chân chất, gần gũi, đến cả những giây phút cuối đời.

"Con cứ cắt cho bác bình thường như mọi người!"

Anh Nguyễn Thanh Phong tỉ mẩn lau sạch vết bụi trên tấm ảnh lưu niệm chụp cùng bác Sáu Khải. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Theo lời kể của những người hàng xóm, bác sáu Khải thường cắt tóc ở tiệm tóc Thanh Phong ngay đầu con hẻm dẫn vào nhà. Vẫn mường tượng tiệm cắt tóc bình dân nhưng lúc dừng xe, chúng tôi vẫn không khỏi "ngỡ ngàng".

Đó là một tiệm hớt tóc nhỏ nằm trong một căn nhà cấp 4, mang phong cách có phần cổ xưa. Không phải là những mẫu biển hiệu thời thượng với đèn nhấp nháy xanh đỏ chạy chữ liên tục, cũng chẳng phải là bảng hiệu to đùng, bắt mắt. Đó chỉ đơn giản là những dòng chữ “Nghệ thuật hớt tóc Thanh Phong” in trên nền sắt đã rỉ màu. Phía trên lợp mái tôn, trước cửa nhà là ghế đá và cây ngả bóng mát. Nhưng tiệm hớt tóc Thanh Phong mang lại cảm giác thư thái, bình yên.

Nhớ lần đầu tiên bác tới cắt tóc, anh Nguyễn Thanh Phong - chủ tiệm, vẫn còn hồi hộp lắm: “Hôm đó là buổi sáng, lúc đó tui còn chưa mở cửa. Ông chú ở dưới nhà bác gọi điện thoại nói: có bác Sáu lên cắt tóc, Phong ráng dọn sạch sẽ bác lên. Tiệm tui nhỏ xíu, đâu nghĩ có ngày được đón bác sáu Thủ tướng. Mừng lắm, run nữa. Lát bác lên, thấy mình run quá bác nói, con cứ cắt tóc bình thường cho bác như mọi người khác thôi. Thấy bác làm Thủ tướng mà sao bác gần vậy cũng đỡ run hơn xíu, mà vẫn run lắm. Bác nói cắt xanh (ý là cắt thấp cho bác)”.

Tiệm hớt tóc bác vẫn thường ghé. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Mở khóa cửa mời chúng tôi vào tiệm, chỉ vào tấm ảnh được treo trang trọng trong nhà, anh chủ quán hãnh diện tự hào khoe. Đó là tấm ảnh anh chụp cùng bác ngày ấy.

“Mấy lần sau bác tới hớt tóc, bác hỏi chuyện gia đình, vợ con, công việc, bác dễ gần lắm, tui hông còn run nữa. Lần thứ 4, bác tới tiệm hớt tóc, tui đánh liều: Bác cho con chụp một tấm ảnh chung với bác nghe bác. Bác cười: "Ừ". Tui chạy vào nhà lấy máy ảnh nhờ anh cận vệ của bác chụp dùm: một tấm để trong tủ kiếng đặt trong nhà. Một tấm khác rửa phóng to đặt ngoài tiệm. Lần sau tới hớt tóc bác hỏi: Có hình bác đây hả rồi bác cười hiền từ! Tui nói thiệt, không coi ti vi đọc báo, thấy bác vậy chẳng mấy người đoán được bác là cựu Thủ tướng, bác giản dị, dễ gần lắm đâu như mấy ông giờ đâu!”, anh Phong nhớ lại.

Mấy bữa còn thấy bác khỏe mạnh!

Ông Nguyễn Văn Khỏe tự hào kể về bộ sách được Cựu thủ tướng Phan Văn Khải tặng. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Trong kí ức của những người lớn tuổi như ông Nguyễn Văn Khỏe (Trưởng ban quản lý di tích lịch sử đền Tân Thông, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), ông Sáu Khải là người mẫu mực, gần dân, vì dân hết lòng hết dạ.

Ông Khỏe là bạn học của ông sáu Khải thời tiểu học. Nhiều câu chuyện về cậu bạn Phan Văn Khải nối khố ngày xưa, ông vẫn còn nhớ mãi.

“Chúng tôi học chung từ thời sơ đẳng (tương đương với Tiểu học bây giờ). Nhà ông Khải nghèo lắm, ông ấy sống với ông bà ngoại từ nhỏ, đi làm đủ nghề kiếm sống để phụ giúp ông bà, mong được tới trường. Ông thông minh, sáng dạ lắm. 15 tuổi thì ông theo cách mạng, …Đình Tân Thông được như bây giờ cũng là nhờ ông Khải. Đình không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là cơ sở cách mạng của người dân Tân Thông Hội.

Trong chiến tranh đình bị phá hoại nghiêm trọng. Ông đi xin cây về trồng xung quanh đình, rồi vận động các doanh nghiệp, nhà công đức hỗ trợ. Người ta nói muốn ghi danh ông để nhớ ơn mà ông không đồng ý”, ông Khỏe kể chuyện.

Tấm hình lưu niệm cùng ông Sáu Khải được ông Khỏe lưu giữ cẩn thận. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.

Như sực nhớ ra câu chuyện, bà Bùi Thị Ngọc Dung (mẹ anh Nguyễn Thanh Phong) tiếp lời. “Hồi đó, ở xã có con cô Hai Bốp nghèo lắm. Cô Hai Bốp để lại cho con gái miếng đất cất nhà sinh sống. Nghèo quá nên cô con gái chỉ cất tạm cái căn nhà xập xệ. Tui nghe kể, có lần bác về, bác Sáu hỏi: Bác đi về hoài mà sao thấy nhà cô ấy vẫn xác xơ quá vậy. Là tự bác để ý rồi bác tìm hiểu, cho tiền cất nhà mới được như giờ đó. Rồi Trường Tiểu học Tân Thông cũng là bác vận động xây dựng được cho tụi trẻ con đi học thuận lợi hơn.”.

Ngày hay tin bác lâm bệnh nặng, rồi mất sáng nay, nhiều người dân Tân Thông Hội vẫn chưa tin đó là sự thật. “Mới đây chứ mấy, tôi thấy bác vẫn còn khỏe mạnh, con tui đi xuống đó hớt tóc vẫn kể chuyện bác còn minh mẫn lắm. Rồi nghe tin bác qua Sinpapore chữa trị, chỉ nghĩ bác đi mấy bữa rồi về, vậy mà giờ bác Sáu đã mãi mãi ra đi rồi…”, nói đến đây cô Dung nghẹn ngào.

Tác giả: NGUYỄN TRÀ-QUANG DUY

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok