|
Nhạc sĩ sáng tác nhiều nhất về Bác Hồ
Là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc Việt, Thuận Yến sở hữu cả một kho lên tới hàng chục bài viết được đánh giá là các tác phẩm bất hủ, sống mãi cùng năm tháng. Nhưng có lẽ nhắc đến ông, người ta nhớ nhiều nhất về các sáng tác gắn liền với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc – Hồ Chí Minh.
Trước khi trở thành nhạc sĩ, Thuận Yến là một người lính. Sinh ra ở xã Duy Trinh, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, năm 1949, chàng thanh niên 17 tuổi Đoàn Hữu Công tham gia cách mạng với nhiệm vụ làm liên lạc chuyển thư báo, trông coi kho sách ở Khu ủy Liên khu V.
Chính những cuốn sách về âm nhạc trong kho sách ấy đã giúp người trai trẻ mày mò tự học và tập sáng tác; niềm đam mê âm nhạc còn được nuôi dưỡng qua những buổi ngồi xem các nghệ sĩ đóng kịch, hát bài chòi, rồi được một người chơi guitar chỉ dẫn những nốt nhạc đầu tiên.
Thuận Yến sáng tác trải dài theo đất nước. Từ biên giới phía Bắc đầu nguồn sông Hồng đến “đi trong hương tràm” miền Tây, đất mũi… Nhưng thực tế chiến trường Trị Thiên và miền Trung quê anh luôn luôn thôi thúc, đòi hỏi anh phải có những tác phẩm xuất phát từ tình cảm máu thịt ấy! Có lẽ ngay từ những ngày đầu trên chiến trường Trị Thiên những năm 1965-1966, hình ảnh Bác Hồ đã theo ông suốt cuộc hành trình sáng tạo âm nhạc và Người luôn hiện diện trong các tác phẩm âm nhạc của ông.
“Bác Hồ, một tình yêu bao la”, “Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Người về thăm quê”, “Tấm áo Bác Hồ”, “Vầng trăng Ba Đình”… Những ca khúc ấy chắt chiu những trải nghiệm, ghi lại những kỷ niệm quý báu của cố nhạc sĩ về cha già dân tộc yêu kính, để khiến trái tim của bao thế hệ người Việt Nam bồi hồi xúc động.
Bài hát "Bác Hồ một tình yêu bao la" |
Cố nhạc sĩ Thuận Yến từng chia sẻ: “Bác Hồ - một lãnh tụ lớn, khi viết về Người ai cũng sử dụng giai điệu trang trọng, cung kính. Nhưng tôi vẫn muốn viết Bác với một cách diễn đạt gần gũi, tình cảm hơn, đời thường hơn, nên tôi đã mạnh dạn sử dụng nhịp 6/8”…
Và những giai điệu ấy đã thực sự đi vào lòng quần chúng thật tự nhiên như những bài dân ca vốn đã quen thuộc bao đời. Chính những giai điệu và ca từ mộc mạc nhưng chan chứa tình cảm thiêng liêng ấy đã dễ dàng đi vào lòng quần chúng khiến bao người rơi lệ và giữ một vị trí vô cùng đặc biệt.
Các bài hát dung dị, tha thiết, dễ được số đông người bình dân ưa thích, nhưng giai điệu lại vẫn rất trang trọng. Đều triệt để khai thác chất liệu dân gian và có khuynh hướng nhạc nhẹ hoá nhưng không bài nào giống bài nào và đều đạt được mức độ sâu sắc, tới được tận cùng của cảm xúc. Qua những ca khúc về Bác như chính suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của chính mình, hàng triệu đồng bào đã, đang và sẽ hát trên đường hành quân, ngoài hải đảo, trên biên giới, trong cuộc sống.
Luôn khắc sâu hình ảnh lãnh tụ dân tộc trong tim
Cố nhạc sĩ Trần Hoàn từng tâm sự: “Nếu như những bài hát của tôi còn có lúc đượm chất triết lý, hay dung dị trong những câu chuyện kể thì Thuận Yến đã đi vào một khía cạnh khác mộc mạc mà thắm thiết, tạo nhiều cảm xúc sâu lắng. Những giai điệu ngọt ngào ấm áp tình quê hương xứ sở để ngợi ca Bác vị lãnh tụ kính mến được ngân vang trong muôn triệu trái tim”.
NSND Thanh Hoa chính là người thể hiện thành công những ca khúc về Bác Hồ của cố nhạc sĩ Thuận Yến. Nếu như NSND Thanh Hoa thành công với “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Vầng trăng Ba Đình” thì NSND Thu Hiền lại được mến mộ qua “Miền Trung nhớ Bác”, “Người về thăm quê”.
Nữ nghệ sĩ xúc động: “Các ca khúc viết về Bác của cố nhạc sĩ Thuận Yến đã không còn là bài hát đơn thuần nữa mà nó đã trở thành tiếng lòng, tiếng trái tim của triệu triệu con người Việt Nam, là âm hưởng trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”.
Suốt cả cuộc đời hoạt động khắp năm châu bốn biển, Người luôn nhớ tới những kỷ niệm êm đềm nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cảm xúc của vĩ nhân đã từng rơi giọt lệ khi gặp lại bao kỷ niệm nơi mái nhà tranh và nỗi nhớ quê hương không nguôi: “Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương. Người về đây thăm Hoàng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha”.
Sinh thời, trong tất cả những lần tâm sự về những sáng tác về Bác, cố nhạc sĩ Thuận Yến bao giờ cũng nói: “Bác là nguồn cảm hứng vô tận của tôi. Tình yêu dành cho Bác trong tim tôi ngày một tròn đầy và là động lực thôi thúc tôi viết về Bác thật nhiều”.
Thế nên ông đã có hơn hai mươi ca khúc về Người, ông còn viết cả những tổ khúc âm nhạc từ nguồn cảm hứng ấy. Cho đến nay, lịch sử âm nhạc Việt Nam đã ghi nhận, Thuận Yến là nhạc sĩ “có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất” với 26 ca khúc, trải dài từ năm 1968 đến khi nhạc sĩ qua đời vào ngày 24/5/2014.
Tác giả: Thùy Dương
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam