Nhân ái

Bà Ngọ bảo: "Khổ nhất là mỗi lần làm vệ sinh cho đứa cháu tâm thần"

Bị bệnh tâm thần, bố mẹ mất sớm, cuộc sống của chàng trai Nguyễn Văn Niên (39 tuổi), như một đứa trẻ lên 3. Bà Ngọ (thím của Niên), kể khổ nhất là mỗi lần làm vệ sinh cho Niên...

Nguyễn Văn Niên (sinh năm 1981, xóm 3 xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), mắc bệnh tâm thần từ nhỏ. Sau ngày bố mẹ qua đời, hơn 10 năm nay Niên sống như người vô hồn, cuộc sống của chàng trai từ miếng cơm, bát cháo nhờ vào cả bàn tay chăm sóc của chú thím già yếu.

Đắng lòng hoàn cảnh của chàng thanh niên bị tâm thần "côi cút" một mình.

Dẫn chúng tôi dọc theo con đường nhỏ men lối bờ ao ngoài đồng vắng, chỉ tay về phía căn nhà nhỏ nơi anh Niên đang sống, ông Đinh Xuân Hồng (70 tuổi, chú của Niên) nghẹn ngào nói: “Éo le lắm các chú ạ! Lúc thằng Niên mới chào đời được hai tháng thì bố nó mất vì căn bệnh ung thư quái ác.

Cuối năm 2012, mẹ nó là Hoàng Thị Tá cũng không qua khỏi trận ốm thập tử nhất sinh, để lại nó và hai chị gái đùm bọc nhau sống qua ngày”.

Nhiều năm nay, cuộc sống của chàng thanh niên chỉ nương tựa vào bờ vai già yếu của chú thím.

Đến tuổi lấy chồng, chị gái Đinh Thị Hường đi làm dâu ở xã Diễn Quảng, (huyện Diễn Châu, Nghệ An) nhưng cũng bị căn bệnh ung thư quái ác, tính mạng cũng mong manh như ngọn đèn trước gió.

Chị gái thứ hai Đinh Thị Hoàng lập gia đình ở trong xóm nhưng hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Cuộc sống một mình của Niên bắt đầu từ đó.

“Nó mắc bệnh động kinh từ nhỏ, đến năm 2003 bệnh nặng hơn, gia đình đã đưa vào Bệnh viện Tâm thần Nghệ An chữa trị hai đợt nhưng không khỏi.

Thương cháu một mình côi cút lại mắc bệnh, vợ chồng tôi đón nó về nhà chăm sóc nhưng vì căn bệnh ngày càng nặng chỉ dựa vào hai thân già nên không cáng nổi.

Nhìn cháu bị "giam lỏng" trong 4 bức tường hiu quạnh mà tôi xót lòng lắm! Chắc cháu cũng không sống được lâu nữa, thời gian như đang đếm ngược với nó”, nói về hoàn cảnh của cháu mà ông Đinh Xuân Hồng rưng rưng nước mắt.

Hơn 10 năm nay anh Niên sống như người vô hồn trông rất tội nghiệp.

Một mình bệnh tật, côi cút, suốt ngày Niên chỉ biết ú ớ trong căn nhà cấp 4 hiu quạnh giữa cánh đồng. Ngôi nhà tuềnh toàng dột nát đang xuống cấp nghiêm trọng cùng với đớ là thứ mùi ẩm mốc, ngai ngái bốc lên nồng nặc. Trong nhà Niên không có nổi một thứ gì có giá trị ngoài chiếc giường cho Niên nằm ngủ và mọi sinh hoạt đều ở đó.

Nhìn thấy chúng tôi và ông Hồng bước vào, Niên vội vàng đứng ở một góc nhà, mặt cúi xuống đất, đôi mắt hiện lên sự lo lắng, sợ sệt, hai tay ôm kín lấy đầu.

Mặc dù đã được chú vỗ về trò chuyện nhưng Niên vẫn nép mình phía sau lưng chú, thỉnh thoảng lén nhìn chúng tôi với ánh mắt sợ sệt.

Tiếng ú ớ của Niên cùng tiếng cửa sổ cót két khi gió lùa khiến ông Hồng chững lại câu chuyện. Từ phía xa, nơi con đường bờ ao dẫn đến ngôi nhà, bà Nguyễn Thị Ngọ (vợ ông Hồng) năm nay cũng gần 70 tuổi, tay cầm bát cơm mang cho cháu.

Ở tuổi 70, nhiều năm nay vợ chồng bà Ngọ hàng ngày chăm chút cho đứa cháu tâm thần từng miếng ăn, giấc ngủ.

Bà Ngọ ngồi cạnh Niên bón từng thìa cơm cho cháu, thế nhưng Niên liên tục lắc đầu làm cơm rơi vãi khắp nhà. Bà Ngọ phải dỗ dành Niên như một đứa trẻ, vài phút mới bón được một thìa. Lúc thì Niên dùng tay hất mạnh bát cơm, khi thì cố giành lấy bát húp lấy, húp để… Chật vật bón cơm cho cháu mà nước mắt bà Ngọ cứ trào ra.

Bà ngậm ngùi kể: “Có ngày nó dễ ăn thì một lúc là xong bát cơm nhưng có những ngày nó quậy không muốn ăn tôi phải vừa dỗ vừa chơi với nó mất cả buổi.

Nó không tự chủ được cả việc vệ sinh cá nhân, tiểu tiện đại tiện ngay cả trên giường. Chăn chiếu phải thường xuyên giặt giũ. Thương cháu nhưng thân già cũng chỉ biết lo từng bữa cơm rau, canh giấc ngủ, giữ nó khỏi chạy lung tung rơi ao hồ”.

Thương cháu nhưng do hoàn cảnh éo le nên chú thím cũng đành bất lực.

Suốt 6 năm qua kể từ ngày cưu mang Niên, ông bà không được một giây phút nào ngủ yên. Trước kia ông bà đón cháu về ngôi nhà của mình hiện tại đang ở để tiện chăm sóc thế nhưng cứ mỗi lần ông bà đi vắng, trong nhà không có ai là Niên lại vượt rào đi ra ngôi nhà của bố mẹ để ở.

“Thương cháu, chúng tôi cũng đành phải chịu để Niên ở một mình. Hằng đêm tôi lại đội đèn đi bộ ra ngủ cùng cháu vì sợ nó lên cơn co giật. Nhiều đêm, nó không ngủ cứ ngồi nhìn ra cửa sổ rồi cười như người mất hồn, tôi cũng phải thức trắng cùng cháu mà chẳng biết phải làm gì hơn nữa cả”, ông Hồng cho biết.

Bà Ngõ gạt những giọt nước mắt trên gò má tâm sự: “Khổ nhất là khi tắm rửa, vệ sinh cho cháu. Có lần nó còn nắm tóc giật đầu tôi. Thương mình một, thương cháu mười. Cuộc đời này, nó cũng đâu còn ai mà bấu víu ngoài hai thân già này nữa hả chú…”.

“Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú gì chú ạ! Tôi chỉ lo vợ chồng chúng tôi mai này già yếu không còn sức mà chăm nó thì nó sẽ sống ra sao, biết nương tựa vào ai…?” Bà Ngọ lo lắng.

Dù biết là khó khăn, nhưng không đành khi nghĩ về tương lai mịt mờ của đứa cháu côi cút, hai ông bà cũng đã vay mượn khắp nơi để đưa Niên đi khám, chữa trị. Rốt cuộc, căn bệnh ấy vẫn dai dẳng, đeo bám lấy Niên.

Ánh mắt vô định, tương lai mù mịt đang bủa vây chàng thanh niên này đến bao giờ.

Nhà 3 người, hai thân già lọm khọm, có ít ruộng nhưng tích cóp cũng chỉ đủ rau cháo ba bữa qua ngày. Nói về hoàn cảnh của Niên cùng ông Hồng - bà Ngọ, ông Nguyễn Văn Trọng - Chủ tịch xã Diễn Thái cho biết, đây là hoàn cảnh éo le nhất trên địa bàn. Toàn bộ chi phí ăn uống, thuốc men của Niên chỉ dựa vào trợ cấp 450.000 đồng.

“Chúng tôi hi vọng các nhà hảo tâm có thể chia sẻ, giúp đỡ để cháu Niên chữa trị được bệnh tật và có cuộc sống tốt hơn”, ông Trọng nói.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Anh Nguyễn Văn Niên.

Địa chỉ: Xóm 3 xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

ĐT: 0393230972 (Ông Hồng, chú của anh Niên)

Tác giả: Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok