Theo Healthline, nghiên cứu này nói rõ những người ăn từ 4 khẩu phần khoai tây trở lên mỗi tuần làm tăng thêm 11% nguy cơ bị huyết áp cao, so với người chỉ ăn một khẩu phần khoai tây mỗi tháng.
Không chỉ vậy, các chuyên gia dinh dưỡng còn phát hiện nếu thay thế khẩu phần khoai tây (nướng, luộc hay nghiền) trong bữa ăn mỗi ngày bằng các loại rau củ quả không chứa tinh bột có thể giúp giảm được 7% nguy cơ cao huyết áp.
Vì sao khoai tây làm tăng huyết áp?
Sở dĩ có hiện tượng này là do bên trong thành phần của khoai tây ẩn chứa điều đối nghịch. Khoai tây giàu potassium, loại khoáng chất giúp làm hạ huyết áp. Nhưng mặt khác, khoai tây cũng là loại củ có chỉ số đường huyết cao (tức sau khi ăn thì đường huyết sẽ tăng lên nhanh chóng), đây chính là nguyên nhân gây huyết áp cao - tác giả nghiên cứu, bác sĩ Lea Borgi, Bệnh viện Phụ nữ (ở Boston) khẳng định.
Hơn nữa, nguy cơ khiến huyết áp tăng cao khi ăn khoai tây cũng có thể được giải thích do khoai tây, đặc biệt là khoai tây chiên, nướng thường chứa hàm lượng muối và chất béo cao.
Trong nghiên cứu này, bác sĩ Lea Borgi đã quan sát dữ liệu trong 20 năm của 187.000 phụ nữ và nam giới qua 3 cuộc nghiên cứu lớn. Khi nghiên cứu bắt đầu, không có người nào bị huyết áp cao. Sau đó, cứ mỗi 4 năm 1 lần, người tham gia được yêu cầu hoàn tất một bảng câu hỏi mô tả chi tiết chế độ ăn của họ, trong đó có câu hỏi liên quan đến thực phẩm nào được dùng thường xuyên.
Kết quả cho thấy, khoai tây là một trong những nhóm thực phẩm được hấp thu nhiều nhất. Với những người thường ăn khoai tây chiên đóng gói, nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 17%.
Nghiên cứu này được công bố trên chuyên san y khoa Anh (BMJ). Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy chỉ cần thay thế một khẩu phần khoai tây bằng một loại rau củ không tinh bột thì có thể làm giảm nguy cơ huyết áp cao xuống 7%.
Theo các nhà khoa học, chỉ số GI (Glycaemic index) cao chính là nguyên nhân. Các thực phẩm có chỉ số GI cao giải phóng năng lượng nhanh vì thế làm tăng đường huyết nhanh, và dẫn tới tăng huyết áp. Nhóm nghiên cứu cũng giải thích, các bữa ăn có chỉ số GI cao còn liên quan tới việc rối loạn chức năng tế bào gây ra các hiện tượng như mất cân bằng oxy hoá hay viêm, chính là cơ chế tiềm tàng nguy cơ tăng huyết áp.
Lựa chọn thay thế khoai tây
Khoai tây chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin C, kali, vitamin B6. Nhưng điều đó không có nghĩa, khoai tây là thực phẩm tối ưu cho sức khỏe, bởi bên cạnh khoai tây cũng có nhiều sự lựa chọn khác vẫn đảm đảo cung cấp những chất dinh dưỡng còn dồi dào hơn khoai tây, như: súp lơ xanh chứa lượng vitamin C cao gấp 9 lần khoai tây. Đậu trắng chứa hàm lượng kali cao gấp 2 lần khoai tây. Ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu… cũng rất tốt vì chứa nhiều chất xơ và protein, lại gây ra ít làm ảnh hưởng tới đường huyết.
Tác giả bài viết: Ngọc Khuê