Đại biểu Nguyễn Minh Sơn "chưa cảm nhận rõ tình tình tham nhũng thuyên giảm như báo cáo của Chính phủ" - Ảnh: Quochoi.vn |
Chỉ 9 tỉnh có chuyện tặng, nhận và nộp lại quà?
Theo đại biểu Sơn, báo cáo của Chính phủ dẫn các báo cáo quốc tế đánh giá tình hình tham nhũng ở Việt Nam có chiều hướng thuyên giảm, điểm số (theo đánh giá của tổ chức Minh bạch Quốc tế) của Việt Nam nhích lên liên tục trong mấy năm qua.
"Theo cảm nhận của tôi, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) trong năm 2018 thực hiện tốt hơn, mạnh hơn các năm trước, nhân dân tin tưởng hơn, nhưng thuyên giảm thì chưa thể hiện rõ", ông Sơn bình luận.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích: "Dư luận, báo chí hàng ngày nêu bao nhiêu việc sai trái. Ngay tại kỳ họp này, có đại biểu đã bức xúc nói rằng một bao cát đổ trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy, mà cao ốc, biệt thự xây sai phép nhan nhản không ai thấy. Vậy cái đấy là cái gì?".
Đặc biệt chú ý đến báo cáo của Chính phủ về việc tặng quà và nộp lại quà tặng, đại biểu Tiền Giang nói: "Thủ tướng, Chính phủ vài năm trở lại đây năm nào cũng nhắc các địa phương không lên trung ương tặng quà dịp lễ, tết, mà dành phần quà đó đi thăm các gia đình chính sách, có công với cách mạng, đúng đạo lý uống nước nhớ nguồn và để ngăn chặn nạn hối lộ".
"Nhưng báo cáo chỉ nêu tên 9 tỉnh. Tôi băn khoăn chẳng lẽ chỉ có 9 tỉnh có tình trạng tặng quà, nhận quà, nộp lại quà. Tỉnh ít nhất có 1 người, tỉnh nhiều nhất có 9 người nhận và nộp với tổng giá trị hơn 400 triệu đồng. Vậy các địa phương khác có tình trạng này không, hay là không có ai tặng quà nên không có dịp nộp lại quà tặng?", ông Nguyễn Minh Sơn đặt vấn đề.
"Nếu đúng như thế là đáng mừng. Nhưng báo cáo cũng chưa làm rõ ai tặng, tặng ai, quà gì, nộp vào đâu? Cấp dưới còn đi tặng quà cấp trên không? Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập".
Báo cáo của Chính phủ cho biết việc thu hồi tài sản tham nhũng có cả hiện kim và hiện vật. Đề nghị cho biết phần hiện kim đó có phản ánh qua nguồn thu về ngân sách nhà nước hàng năm không. Bởi ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân, là mồ hôi, là nước mắt của dân đóng góp của dân để xây dựng đất nước. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) |
Xử lý người đứng đầu còn nhiều hạn chế
Trước đó, trình bày tại Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: "Công tác PCTN đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội".
Tuy vậy, Chính phủ thừa nhận "việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng còn nhiều hạn chế, vướng mắc".
Báo cáo của Chính phủ cho thấy năm 2018 có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.
Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 200 vụ, 472 bị cáo về các tội danh tham nhũng, đã tuyên phạt 9 án tử hình, tù chung thân (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017).
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Hồ Đức Phớc tự nhận là ngành mình có đóng góp lớn cho công tác PCTN - Ảnh: LÊ KIÊN |
"Đánh giá về Kiểm toán Nhà nước chưa công bằng"
Sau khi chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc đã giơ bảng sử dụng quyền tranh luận để phát biểu rằng đánh giá của Ủy ban Tư pháp về KTNN là chưa công bằng.
"Chúng tôi cho rằng KTNN có đóng góp lớn đối với công tác PCTN, đặc biệt là ngăn chặn những sơ hở trong chính sách, chẳng hạn các vấn đề BT, BOT, đất đai, cổ phần hoá… Ví dụ, chúng tôi có băn bản để đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước dừng việc cổ phần hoá cảng biển, sân bay. Đây là đóng góp rất lớn của KTNN", ông Phớc nói.
Tổng KTNN kể thêm: Ngành ông đã kiến nghị tài chính đưa vào ngân sách với tổng số gấp hàng chục lần những năm trước, như năm 2017 thu vào ngân sách nhà nước trên 40.000 tỉ đồng, xử lý hành chính 97.000 tỉ…
"Năm 2018 cho đến nay là 10 tháng, chúng tôi đã cung cấp cho cơ quan nhà nước như Thanh tra, Ủy ban Kiểm tra, các bộ, ngành 103 thông báo kiểm toán để các cơ quan có trách nhiệm xử lý trong thẩm quyền. Vụ đất 2-4-6 của Sabeco mới khởi tố vừa rồi cũng là từ số liệu của báo cáo kiểm toán chuyển qua…", ông Hồ Đức Phớc nêu.
Từ đó, người đứng đầu ngành kiểm toán đề nghị "được đánh giá hết sức công bằng để KTNN hoàn thiện chức năng của mình.
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh là KTNN không có chức năng điều tra, không có chức năng xác minh ở khối tư nhân, không có chức năng giám định tư pháp về tài chính, không có chức năng trong việc xác minh trả lời tố cáo…", Tổng KTNN nói.
Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá gì về KTNN? Trong báo báo của mình, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu: Việc kiến nghị xử lý hình sự qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn ít (KTNN kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỉ đồng nhưng chỉ chuyển 4 vụ việc sang cơ quan điều tra). "Những hạn chế trong việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác kiểm toán đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục (năm 2016, kiến nghị xử lý sai phạm 14.781,9 tỉ đồng nhưng không chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra; năm 2017 kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỉ đồng nhưng cũng chỉ chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra)", Ủy ban Tư pháp nêu. Do đó, Ủy ban này đề nghị Tổng KTNN chỉ đạo toàn ngành tăng cường chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng phát hiện được qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. |
Tác giả: LÊ KIÊN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ