9 người tử nạn khi đang vượt biên trái phép từ Trung Quốc sang Đài Loan. Trong số đó, 7 người đã được xác định là công dân Việt Nam. Một số thi thể đã được nhận dạng và đưa về nước, một số vẫn đang được bảo quản tại nhà xác tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) để chờ thực hiện các thủ tục cần thiết.
Sáng ngày 7/7, chúng tôi có mặt tại nhà chị Trần Thị Trâm (xóm 10, xã Nam Lộc, Nam Đàn, Nghệ An) – mẹ nạn nhân Lưu Xuân Hoàng (SN 1991) – 1 trong số các lao động thiệt mạng trong chuyến tàu định mệnh ngày 31/3/2017, bị chìm khi đang di chuyển trên vùng biển Trung Quốc.
Bàn thờ Lưu Xuân Hoàng đã được lập nhưng người mẹ vẫn mong tất cả chỉ là sự nhầm lẫn.
Bên bàn thờ lập ở góc, căn nhà trở nên lạnh lẽo hơn khi chỉ còn chị Trâm ở nhà. Anh Lưu Văn Báu (bố của Hoàng) cùng một người cháu đã sang Trung Quốc để xét nghiệm ADN phục vụ cho việc nhận diện thi thể con.
“Lúc nãy, ông ấy mới điện về, bảo đến chiều nay mới có kết quả xét nghiệm. Chắc phải vài ngày nữa mới hoàn tất thủ tục để đưa thi thể Hoàng về nước”, người mẹ nước mắt ngắn dài.
Theo lời kể của chị Trâm, sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành điện, Hoàng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Tháng 5/2016, do lương thấp, công việc không có, Hoàng về nước. Trong thời gian về nước, do không có việc làm, Hoàng nói sẽ tìm cơ hội đi xuất khẩu lao động lần nữa nhưng cụ thể như thế nào thì chưa bàn bạc với bố mẹ.
“Cháu nó đi lúc nào chúng tôi cũng không biết, tưởng con đi chơi với bạn bè. Đi được vài ngày, cháu gọi điện bảo đi Trung Quốc làm ăn. Đến ngày thứ 3, cháu gọi điện về bảo đang lên tàu ra biển rồi sau đó mất liên lạc. Bố mẹ cũng chỉ nghĩ đi xuất khẩu lao động chui, bị phía Trung Quốc bắt giữ thôi, ai ngờ…”, chị Trâm kể tiếp.
Khoảng 25/5, đang gặt lúa ngoài đồng, chị nhận được điện thoại của một cháu đang ở Đài Loan báo về việc có tàu bị chìm ở Trung Quốc, trên tàu có nhiều người Việt Nam. Trong số các thi thể được tìm thấy chỉ có duy nhất anh Lê Đình Hiếu (quê Đô Lương) có giấy tờ tùy thân. Hoàng có đi cùng tàu với Hiếu.
Với những thông tin trên giấy tờ tùy thân được tìm thấy cùng thi thể, nạn nhân Lê Đình Hiếu được thông báo về địa phương. Hiện thi thể anh Hiếu đã được gia đình đưa về an táng tại quê nhà. Những thi thể chưa xác định được danh tính được đưa về nhà xác tại Quảng Đông để chờ nhận diện.
“Suốt hai tháng nay, không đêm nào tôi chợp mắt được, cứ nhắm mắt lại là thấy con đang lạnh lẽo ở xứ người. Nhà làm nông, trồng thêm mấy cây chanh, đủ ăn chứ làm gì có dư dả. Bố cháu sang Trung Quốc để tìm đưa con về, làng xóm, anh cho cho vay 200 triệu để làm lộ phí, giờ tôi chỉ mong mỏi làm sao để con sớm được đưa về”, chị Trâm lại sụt sùi.
Ngày Lưu Xuân Hoàng ra đi, chị Trâm không biết. Con đi với ai, ai là người tổ chức cho nhóm lao động này xuất khẩu lao động chui sang Trung Quốc, chị cũng không hay.
“Ở làng này, thanh niên đi lao động chui bên Trung Quốc nhiều lắm”, người hàng xóm nói.
Thông tin từ Sở Ngoại vụ Nghệ An, hiện xác định được danh tính 4 lao động Nghệ An bị thiệt mạng ở Trung Quốc, gồm: Lê Đình Hiếu (xã Tràng Sơn, Đô Lương), Hồ Đức Tiến (xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu), Lưu Xuân Hoàng (xã Nam Lộc, Nam Đàn), và Nguyễn Phúc Toàn (xã Văn Thành, Yên Thành). Trong khi đó, theo thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), 7 công dân Việt Nam tử nạn được xác nhận có 3 nạn nhân ở Nghệ An, 2 nạn nhân ở Quảng Bình, 1 nạn nhân ở Hải Dương, 1 người ở Hà Tĩnh. |
Tác giả: Hoàng Lam
Nguồn tin: Báo Dân trí